Dòng sự kiện:
Đường gỗ lim ‘siêu sang’ rạn nứt: Nhà thầu thi công nói gì?
21/08/2018 14:22:38
Nhà thầu thi công đường lát gỗ lim cho biết, việc các tấm ván gỗ xuất hiện rạn nứt là hiện tượng tự nhiên của gỗ, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ nhưng đã làm giảm đi tính thẩm mỹ.

Dự án đường đi bộ bằng gỗ Lim ven sông Hương có tổng kinh phí được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc thống nhất (theo công văn ngày 24/8/2017) là 52,9 tỷ đồng. Trong đó, phần kinh phí đối với hạng mục gỗ Lim theo hồ sơ dự toán là 5,14 tỷ đồng với tổng diện tích 2438m2, dày 5cm nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi.

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.

Kể từ khi được triển khai xây dựng, con đường lát gỗ lim “siêu sang” ven sông Hương đang nhận được sự quan tâm của dư luận rất lớn. Tuy nhiên, ngay khi việc lát gỗ đang tiến hành nhiều người đã phát hiện nhiều vết nứt, rạn ở bề mặt gỗ lim trên con đường.

Con đường gỗ lim ven sông Hương

Cụ thể, một số thanh gỗ lim đã lát trên đường có nhiều vết rạn nhỏ, một số thanh có vết rạn, nứt “chân chim” kéo dài. Nhiều thanh gỗ chưa được lát đã có dấu hiệu nứt ở 2 đầu.

Trước những hư hại kể trên dù chưa đưa vào sử dụng, nhiều người dân đã tỏ ra lo ngại liệu chất lượng công trình có đảm bảo trước mùa mưa bão sắp tới.

Trao đổi với PV, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế, nhà thầu thi công công trình trên xác nhận gỗ thường xuất hiện các vết nứt, rạn.

Những vết nứt tại con đường lát gỗ lim

Ông Thành lý giải: "Do thớ gỗ là những bó xoắn nằm dọc thân nên khả năng chịu lực trên cùng một mặt phẳng  không đồng đều. Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời thì các tấm gỗ xuất hiện hiện tượng co ngót dẫn đến rạn nứt bề mặt. Hiện tượng co ngót dẫn đến rạn nứt là hiện tượng tự nhiên của gỗ, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ, nhưng làm giảm đi tính thẩm mỹ. Do gỗ lim phải sấy trước khi sử dụng, hoạt động này khiến 2 đầu thanh gỗ tiếp xúc với nhiệt nhiều hơn nên xuất hiện vết nứt. Quá trình thi công, các công nhân sẽ cưa bỏ 2 đầu để loại bỏ các vết nứt".

Việc xuất hiên các tấm gỗ lát bị nứt, rạn, ông Thành cho rằng số lượng lớn quá lớn (hơn 16.000 thanh gỗ) nên sẽ khó tránh khỏi việc các thanh gỗ bị nứt sau thời gian lắp đặt. Tất nhiên trước khi nghiệm thu, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra thay thế để đảm bảo.

Theo đơn vị thi công, các vết nứt 2 đầu ván gỗ sẽ được cắt bỏ

Ông Thành nói thêm, gỗ là hạng mục khó kiểm soát trong sản xuất gia công, nên thời gian bảo hành lên tới 30 tháng so với các công trình thông thường chỉ 12 tháng. Việc sử dụng gỗ lim là ý kiến buộc phải làm của nhà tài trợ KOICA của Hàn Quốc khi công trình này được họ cho 100% kinh phí và không hoàn lại.

Trước đó, thông tin với báo chí về việc xuất hiện các vết nứt ở sàn gỗ lim trên hạng mục công trình cầu đi bộ, ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở xây dựng Thừa Thiên – Huế, kiêm Trưởng BQL dự án cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ dự án kiểm tra thực tế hiện trạng và cung cấp thông tin cho báo chí khi có kết quả.

Đình Tuấn 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến