Dòng sự kiện:
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 khát vốn
21/11/2017 10:11:28
Việc khởi động lại Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn I phụ thuộc rất lớn vào khả năng cấp vốn phục vụ giải phóng 151 ha mặt bằng tại khu Tổ hợp Ngọc Hồi.

Điều kiện cần

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cập nhật, bổ sung Quyết định số 1198/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2017 phê duyệt điều chỉnh Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) giai đoạn I vào các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ này cũng xin ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (nguồn vốn đối ứng) 180 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng của Dự án metro số 1 Hà Nội.

Phối cảnh Tổ hợp Ngọc Hồi, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát Dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (từ ngày 29/5/2017 đến ngày 6/6/2017), nhà tài trợ yêu cầu phía Việt Nam phải bố trí vốn để hoàn thành tối thiểu 50% khối lượng giải phóng mặt bằng cho khu Tổ hợp Ngọc Hồi thì mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu Dự án.

Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2017, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 32 ha trong tổng số 151 ha khu Tổ hợp Ngọc Hồi; hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ đủ điều kiện để phê duyệt với giá trị là 250 tỷ đồng; các hộ dân có đất bị thu hồi rất đồng thuận với chủ trương thu hồi đất và sẵn sàng nhận tiền bồi thường hỗ trợ bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án.

Để tránh phát sinh, khiếu kiện trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, nguy cơ phải điều chỉnh phương án, tăng kinh phí giải phóng mặt bằng (do tăng giá đất và thay đổi về cơ chế chính sách) trong năm 2018, UBND huyện Thanh Trì đã đề nghị chủ đầu tư sớm bổ sung vốn (trong quý IV/2017) và cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong tháng 1/2018.

Cần phải nói thêm rằng, liên quan vốn đối ứng năm 2017, Bộ GTVT được giao thấp so với nhu cầu, để Dự án có nguồn vốn thanh toán cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã chủ động rà soát, cân đối được khoảng 70 tỷ đồng từ các dự án khác để ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn đối ứng cho Dự án tuyến metro số 1. Hiện Dự án vẫn còn thiếu khoảng 180 tỷ đồng vốn đối ứng cho năm kế hoạch 2017.

“Để tránh khiếu kiện, phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, kéo dài tiến độ thực hiện Dự án (do JICA không phê duyệt hồ sơ mời thầu và cho phép thực hiện công tác đấu thầu trong năm 2017), việc đưa bổ sung sớm 180 tỷ đồng là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

“Gọt bớt” mục tiêu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Dự án metro số 1 được phê duyệt đầu tư năm 2008, với tổng mức đầu tư 19.459 tỷ đồng (bao gồm: vốn vay ODA 13.972 tỷ đồng, vốn đối ứng 5.487 tỷ đồng).

Quy mô Dự án là xây dựng khu Tổ hợp Ngọc Hồi với diện tích 95 ha và đoạn tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm; thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2017.

Tuy nhiên, do tính chất kỹ thuật phức tạp và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (đặc biệt việc lựa chọn vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng), năm 2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT phân kỳ đầu tư dự án, trước mắt đầu tư xây dựng khu Tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn tuyến Ngọc Hồi - Giáp Bát - ga Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và góp ý của các bộ, ngành, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1198/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2017 phê duyệt điều chỉnh Dự án metro số 1, giai đoạn I, với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng (bao gồm phần vốn vay ODA Nhật Bản 14.464 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.582 tỷ đồng).

Quy mô Dự án đã được cắt toàn bộ tuyến đường sắt từ Giáp Bát sang Gia Lâm để chuyển sang giai đoạn sau với hạng mục chính duy nhất là đầu tư xây dựng mới khu Tổ hợp Ngọc Hồi (có bổ sung công năng dự kiến đầu tư trong giai đoạn II), với diện tích 151,8 ha. Tổ hợp này gồm 7 hạng mục: Xí nghiệp Tàu đô thị, Xí nghiệp Đầu máy; Xí nghiệp Toan xe hàng; Ga hàng; Xí nghiệp Bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị; Trạm điện chính; Xí nghiệp Toa xe khách; Ga khách quốc gia và đô thị, cùng một số hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan.

Thời gian thực hiện Dự án cũng được nới thêm, từ 2017 - 2024. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng phải được hoàn thành trước năm 2019 để triển khai thi công xây lắp (bắt đầu từ năm 2018, hoàn thành năm 2024), với kinh phí 2.300 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2015, Dự án đã giải ngân được 1.064,350 tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài 693,316 tỷ đồng, vốn đối ứng 371,033 tỷ đồng (trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 245,668 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 125,365 tỷ đồng).

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Dự án chỉ được giao 5.012 tỷ đồng (bao gồm: vốn nước ngoài 4.500 tỷ đồng, vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng 512 tỷ đồng). Tuy nhiên, do thay đổi quy mô đầu tư, nhu cầu vốn cho giải phóng mặt bằng cho khu Tổ hợp Ngọc Hồi hiện đã lên tới 2.310 tỷ đồng, nên so với kế hoạch vốn cấp, Dự án còn thiếu khoảng 1.410 tỷ đồng.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xin bổ sung phần thiếu hụt từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Nếu không bổ sung sớm, mục tiêu 50% mặt bằng để có thể khởi động đấu thầu các gói thầu xây lắp như yêu cầu của nhà tài trợ và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng vào năm 2020 là không thể thực hiện được", ông Phương cho biết.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến