Công việc nặng nhọc, trách nhiệm cao nhưng nợ lương?
Khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, ngành đường sắt đã có nhiều động thái tích cực với hy vọng vực lại quá trình kinh doanh. Cụ thể là đầu tư một số tàu khách cao cấp để nâng cao chất lượng, tiếp viên phục vụ trên tàu cũng được đào tạo chỉn chu hơn, suất ăn miễn phí được cung cấp... Tuy vậy, đây được nhận định chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, bởi cái gốc là hạ tầng đường sắt đã quá cũ kỹ, lạc hậu, giờ chạy tàu, tốc độ chạy tàu còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Nhất là trong bối cảnh vận tải hàng không và đường bộ phát triển mạnh mẽ, hành khách có nhiều lựa chọn hơn khiến ngành đường sắt đã khó càng rơi vào thế khó. Cũng bởi vậy, làn sóng công nhân bỏ việc đã lan rộng từ năm 2017, bất chấp các giải pháp từ phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do công việc nặng nhọc nhưng nợ lương, lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Trên 1 vạn lao động không có lương, đường sắt nguy cơ dừng hoạt động (Ảnh: Tạ Tôn)
Theo biểu báo cáo quỹ lương, thù lao của VNR, lương bình quân của lao động năm 2017 là 7.624 triệu/tháng, năm 2018 là 7.983 triệu/tháng, năm 2019 là 9.120 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do chưa được giao dự toán ngân sách, dẫn đến 11.000 nhân viên như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác của tổng công ty đến nay vẫn chưa có lương.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và vướng mắc khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn.
VNR vốn là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Cách đây 2 năm, Tổng công ty này được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với hàng loạt đơn vị khác như Vietnam Airlines, ACV, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam...
Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên không còn phù hợp khi áp dụng quy định này.
Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Thủ tướng với 3 văn bản liên tiếp. Tổng công ty cũng báo cáo lên bộ, thậm chí báo cáo "vượt cấp" lên Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
"Đến hôm nay tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật", ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, ông cho hay nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi không ai giao nhiệm vụ. "Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tội chịu. Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai", ông Minh nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. (Ảnh: V.Đ)
Doanh thu trồi sụt, chi nghìn tỷ trả lương nhân viên
"Năm 2019 kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt, tương tự như các năm 1979, 1984”, ông Vũ Anh Minh lo lắng chia sẻ tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Nỗi lo lắng của người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là có cơ sở khi kết thúc năm 2019, doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty với gần 3 vạn lao động chỉ đạt 8.191,3 tỷ đồng, chỉ đạt 97,2% so với kế hoạch.
Trước đó, giai đoạn từ 2015 - 2018, doanh thu của VNR trồi sụt thất thường, từ mức 7.572 tỷ đồng (năm 2015) giảm còn 6.753 tỷ đồng (năm 2016), 6.952 tỷ đồng (năm 2017) rồi tăng vọt lên mức 8.252 tỷ đồng (năm 2018).
Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho rằng, một số hệ thống văn bản dưới luật, nghị định chưa hoàn thiện, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh của VNR.
Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới, cự ly ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn, làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Ngoài ra, do ảnh hưởng của đô thị hóa, một số địa phương đề xuất di dời ga đường sắt ra khỏi các đô thị lớn, hạn chế tải trọng xe trên các đường bộ ra vào bãi hàng làm phát sinh chi phí vận chuyển 2 đầu, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải.
Trong 4 năm qua, số lượng nhân sự toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng được cắt giảm liên tục, từ con số 29.000 người (năm 2015) về mức 25.353 lao động (năm 2018). Tuy vậy, tổng quỹ lương mà VNR chi ra mỗi năm lên tới 2.500 tỷ - 2.600 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng doanh thu hàng năm.
Xem xét đề xuất điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển như trên để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của tổng công ty. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3. |
Khánh Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy