Dòng sự kiện:
ECB liệu có vô tình thắt chặt chính sách?
01/10/2019 16:01:57
Đã gần 3 tuần trôi qua sau khi NHTW châu Âu (ECB) công bố các biện pháp kích thích tiền tệ mới, song các nhà kinh tế vẫn đang tranh luận liệu kế hoạch này có hoạt động theo cách mà nó được kỳ vọng hay không.

Ảnh minh họa

Điều mà các nhà kinh tế quan tâm hiện nay chính là cơ chế phân cấp của ECB. Mặc dù cơ chế này được thiết kế để giảm bớt gánh nặng lãi suất âm cho các ngân hàng, song giới chuyên gia đang lo ngại nó có thể vô tình thắt chặt chính sách tiền tệ. Những lo ngại này càng lớn thêm khi mà khối lượng các khoản vay giá rẻ dài hạn được hấp thụ thấp kỷ lục vào tuần trước.

“Cơ chế phân cấp có thể có một số tác động không mong muốn”, Gilles Moec - Nhà kinh tế trưởng của AXA SA ở London đã viết trong một ghi chú phát hành vào tuần trước. “Có vẻ như việc “giảm thiểu tác động của chính sách lãi suất âm” mà không ảnh hưởng đến việc truyền tải chính sách tiền tệ không hoạt động như mong muốn”.

Cuộc tranh luận tiếp tục xoay quanh lãi suất tiền gửi của ECB, đã được giảm xuống mức thấp kỷ lục -0,5% vào ngày 12/9 để thúc đẩy lạm phát. Về lý thuyết, việc làm này sẽ làm giảm tất cả các chi phí đi vay, làm cho đầu tư và tiêu dùng rẻ hơn và qua đó giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên ECB cũng áp dụng cơ chế phân cấp, miễn chính sách lãi suất âm cho phần tiền gửi dự trữ vượt quá 6 lần số tiền dự trữ bắt buộc tối thiểu của các ngân hàng. Ước tính khoảng 40% thanh khoản dư thừa hiện tại trong hệ thống tài chính có thể được miễn áp dụng chính sách lãi suất âm, từ đó giúp nâng lãi suất tiền gửi trung bình được trả bởi các ngân hàng.

Hệ thống hai cấp trước mắt sẽ được áp dụng trong giai đoạn 6 tuần bắt đầu từ ngày 30/10 và rủi ro cho các nhà hoạch định chính sách là Eonia (Euro Overnight Index Average - Trung bình chỉ số euro qua đêm) hiện đang thiết lập gần với lãi suất tiền gửi bình quân gia quyền hơn là xoay quanh mức lãi suất tiền gửi âm mới.

Trong khi ECB vẫn quan niệm rằng lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ hướng dần về lãi suất của công cụ tiền gửi cơ sở. Thực tiễn áp dụng cơ chế phân cấp tại Nhật Bản và Thụy Sĩ cũng cho thấy, lãi suất thị trường có xu hướng thiết lập gần lãi suất của NHTW thay vì lãi suất bình quân gia quyền.

Một mối lo nữa đối với các biện pháp nới lỏng mới của ECB, đó là chỉ có 28 tổ chức hấp thụ hoạt động tái cấp vốn dài hạn (TLTRO) gần đây nhất của ECB, thấp hơn nhiều so với con số hàng trăm người nhận trong các lần trước đó. Số tiền mà 28 ngân hàng này hấp thụ cũng chỉ ở mức 3,4 tỷ euro (3,8 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích là khoảng 100 tỷ euro.

Có thể là do các ngân hàng đã không có đủ thời gian để điều chỉnh kế hoạch sau các quyết định chính sách mới nhất của ECB. Nhưng nó cũng là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với nỗ lực của ECB trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát của khu vực. Mặc dù những gì đang diễn ra “không hoàn toàn giống với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với khả năng kiểm soát lãi suất thị trường của ECB”, Rishi Mishra - một nhà phân tích tại Futures First nhận xét. “Tuy nhiên, có rất nhiều nghi ngờ xung quanh các biện pháp kích thích mới”.

“Cơ chế phân cấp của ECB cần phải hoạt động, nếu không mọi lời hùng biện sẽ sụp đổ”, Peter Chatwell – Trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá châu Âu tại Mizuho International Plc. cho biết. “Cơ chế này sẽ khuyến khích các ngân hàng gửi nhiều tiền mặt hơn vào ECB để hưởng lãi suất 0% thay vì đưa nó vào nền kinh tế”.

Nếu ECB không đạt được mục tiêu từ các biện pháp kích thích của mình, Chủ tịch ECB Mario Draghi hoặc người kế nhiệm từ ngày 1/11 tới, bà Christine Lagarde, có thể phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ. Tin tốt là Hội đồng quản trị ECB đã phát đi tín hiệu là hệ số nhân hiện nay là 6 lần tiền gửi dự trữ có thể được điều chỉnh nếu cần để kiểm soát lãi suất tiền gửi.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến