Dòng sự kiện:
EU chia rẽ về kế hoạch phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19
21/06/2020 05:44:50
Tất cả các nước thành viên EU đều nhất trí rằng, phải phục hồi nền kinh tế, song lại không thể thỏa hiệp được trong các vấn đề liên quan tới thể thức.

Đúng như dự báo của giới chuyên gia, vòng đàm phán đầu tiên giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch phục hồi chưa từng có trị giá 750 tỷ euro đã kết thúc hôm qua mà không đạt được thỏa thuận. Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng cũng một lần nữa cho thấy những chia rẽ sâu sắc không dễ hóa giải của liên minh hơn 70 năm tuổi này.

Được thiết kế để giúp các quốc gia thành viên giảm thiểu tác động của dịch bệnh, song kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro này lại chưa được tất cả các nước thành viên cùng đón nhận.

Cuộc gặp kết thúc bằng một tuyên bố chung chung khẳng định, mặc dù vẫn tồn tại nhiều bất đồng, song các nước thành viên đều nhất trí phải hành động nhanh chóng. Một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của Liên minh châu Âu đã được lên kế hoạch vào tháng 7 tới.

Ảnh minh họa/Reuters

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận, chặng đường vẫn còn dài để có thể đi tới một thỏa thuận: "Đây là cuộc thảo luận đầu tiên của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về những đề xuất của Ủy ban châu Âu liên quan tới ngân sách dài hạn và kế hoạch phục hồi. Đây là dịp để tìm kiếm sự đồng thuận từ những vấn đề gây chia rẽ và điều quan trọng là chúng ta không được phép đánh giá thấp những khó khăn.”.

Tất cả các nước thành viên đều nhất trí rằng phải phục hồi nền kinh tế, song lại không thể thỏa hiệp được trong các vấn đề liên quan tới thể thức. Cũng giống như thời gian qua, cặp đôi Pháp-Đức đã không ngừng thể hiện vai trò “động lực chính trị” của khối khi đánh giá cao bản kế hoạch, coi đây là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của Liên minh châu Âu trong tương lai.

Thủ tướng Đức - Angela Merkel nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 và sự suy giảm nền kinh tế do tác động của nó đang đặt ra thách thức lớn nhất trong lịch sử châu Âu. Cách châu Âu kiểm soát cuộc khủng hoảng so với các khu vực khác trên thế giới sẽ quyết định sự thịnh vượng của công dân châu Âu và vai trò của châu Âu trên thế giới.”.

Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển lại phản đối bản kế hoạch và thậm chí còn hoài nghi “sự hào phóng” mà Pháp và Đức đang cho thấy đối với những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Điểm gây tranh cãi nhất liên quan tới bản chất của việc cấp tiền cho những nước chịu ảnh hưởng nhất. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức - Angela Merkel mong muốn 500 tỷ euro sẽ được phân bổ như các khoản trợ cấp, trong khi 250 tỷ euro sẽ dưới hình thức các khoản vay.

Tuy nhiên, những nước như Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển cho rằng, giá trị các khoản trợ cấp là quá cao, đồng thời yêu cầu đảo ngược lại lô-gic của kế hoạch, thậm chí là chỉ dưới hình thức các khoản vay. Tuy nhiên, đối với Tây Ban Nha hay quốc gia “nợ nần” như Italia, thì việc phải vay mượn để phục hồi lại đặt ra những vấn đề, thậm chí là nguy hiểm về dài hạn.

Một vấn đề gây chia rẽ khác là điều kiện cấp khản vay. Hà Lan và những nước cùng trận tuyến cho rằng, châu Âu phải có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi, bởi phần lớn số tiền này là từ ngân sách chung của khối.

Không chỉ 4 nước kể trên tỏ ra không hài lòng. Nhiều nước Đông Âu lo ngại họ sẽ chỉ nhận được “những đồng bạc lẻ” trong kế hoạch phục hồi kỷ lục này của Liên minh châu Âu. Với tất cả những bất đồng này, không có gì đáng ngạc nhiên rằng vòng đàm phán đầu tiên đã không thể đi tới quyết định cụ thể. Song điều thực sự quan trọng là các quốc gia cứng rắn nhất đều đưa ra tuyên bố sau cuộc họp cho thấy họ đã sẵn sàng nhượng bộ.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến