Ngày 14/12, Ủy ban châu Âu (EC) công bố một số sửa đổi đối với “Hiệp ước tự do đi lại chung” (Schengen) theo hướng tăng quyền kiểm soát đường biên giới nội khối cho các nước thành viên cũng như cách thắt chặt kiểm tra đường biên giới bên ngoài nhằm ứng phó tốt hơn trước các làn sóng di cư mới.
Theo các sửa đổi được Uỷ ban châu Âu (EC) công bố, một quốc gia thành viên của Hiệp ước Schengen sẽ được phép kéo dài thời gian đóng cửa đường biên giới của mình trong vòng 90 ngày thay vì tối đa 60 ngày như hiện nay. Trong trường hợp phải đối phó với nguy cơ không thể dự báo trước, thời hạn này sẽ được nâng lên thành từ 06 tháng đến 2 năm và có thể gia hạn. Tuy nhiên, nếu thời gian đóng cửa kéo dài trên 18 tháng thì thành viên Schengen sẽ phải tham vấn ý kiến của EC để tránh trường hợp lạm dụng.
Hiệp ước Schengen cho phép công dân EU tự do đi lại (Ảnh: Politico).
Trước làn sóng di cư và di chuyển bất hợp pháp trong và ngoài châu Âu, EC cho phép nước thành viên có quyền từ chối cho nhập cảnh và chuyển trả lại người di cư bất hợp pháp xuất phát từ một thành viên láng giềng nếu chứng minh được người đó bị bắt giữ gần biên giới chung hai nước và vừa mới di chuyển sang. Cơ quan này cũng kêu gọi các thành viên là láng giềng của nhau, thiết lập lực lượng cảnh sát tuần tra chung biên giới để đảm bảo tính minh bạch.
EC sẽ đề xuất Hội đồng châu Âu xem xét thiết lập các trạm biên giới ngoại biên để kiểm soát, xem xét đơn xin tỵ nạn của người di cư từ bên ngoài EU. Đây cũng là những đề xuất của ba nước Ba Lan, Litva và Latvia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập tại khu vực biên giới giữa các nước này với Belarus.
Vấn đề sửa đổi Hiệp ước Schengen đã được EU bàn thảo từ nhiều năm qua, nhất là sau khi xảy ra các biến động chính trị tại Bắc Phi, Iraq, Syria, Afghanistan… dẫn đến các làn sóng người di cư đổ vào châu Âu, với đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015. Trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, 17/26 quốc gia đã thiết lập hàng rào biên giới, gây ra những xáo trộn về tự do đi lại và làm tổn hại tinh thần Hiệp ước.
Trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xếp việc sửa đổi Hiệp ước Schengen nằm trong số các ưu tiên khi tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hiệp ước Schengen ra đời năm 1985 và hiện có 26 quốc gia tham gia, bao gồm 22 nước thành viên EU cùng các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thuỵ Sĩ./.
Tác giả: Mạnh Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy