EVN: 21.840 tỷ đồng chi trả lãi vay
06/10/2014 08:50:26
ANTT.VN - Với truyền thông 60 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, truyền tải điện năng cho đất nước, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định được vị trí độc quyền toàn phần ngành dịch vụ đặc biệt này.

Tin liên quan

Ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực, tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh (VCGM) cấp độ 1 vào năm 2025. Hiện nay có tới 43 nhà máy, công ty ngành điện đưa ra bảng giá cạnh tranh cho người tiêu dùng có thể lựa chọn nhà cung ứng.

Trong báo cáo thường niên 2012-2013, Tổng Giám đốc tập đoàn điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh tự hào khẳng định:”Đến cuối năm 2013, tập đoàn đã cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội và đời sông nhân dân, 99,57% số xã và 97,85% hộ dân có điện”. Thật vây, 60 năm tồn tại và phát triển dưới sự “bao cấp” từ đồng vốn, cơ sở hạ tầng đến giá cả của nhà nước, EVN xứng đáng với vai trò ông lớn ngành điện, khó có nhà cung ứng nào có thể cạnh tranh được.

Với tầm vóc của mình, việc sử dụng nguồn nhân lực không hiệu quả, hàng loạt dự án chậm tiến độ thi công, liên tục kêu lỗ vốn do giá thành cao rồi tăng giá điện, trong khi đến mùa vẫn cúp điện của người dân được coi như “chuyện bình thường ngành điện”.

Xem xét báo cáo tài chính các năm gần đây, chưa tính đến những vụ lùm xùm, bê bối khi kiểm toán nhà nước vào cuộc, EVN bị lỗ liên tục, lũy kế đến vài chục nghìn tỷ đồng. May mắn thay, sau khi tăng giá điện 2 lần liên tục năm 2012, tình hình kinh doanh đã có dâu hiệu khởi sắc. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 10.369 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu 6,9%.

Mức lợi nhuận này so với tình hình thực tế hiện nay của EVN có thể tăng cao hơn nhiều, nếu biết xử lý, cắt giảm chi phí không đáng có. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Phó chủ tich hội đồng khoa học năng lượng nhận định:” Tiềm năng giảm chi phí ngành điện còn rât lớn. Ở các nhà máy điện, giá thành cao, sản xuất tiêu hao nhiên liệu cho 1kWh cao, hệ số biên chế nhân lực lớn. Truyền tải và phân phối điện năng bị tổn thất ở mức cao nhất thế giới. Nếu giảm 1% tổn thất trên đường dây tải điện, EVN sẽ tăng được mức lợi nhuận khổng lồ.”

Thật vậy, sản lượng điện sản xuất và mua của Tập đoàn năm 2013 là 127,73 tỷ kWh, trong khi lượng điện tiêu hao chiếm 8,87%, các năm trở lại đây có dấu hiệu giảm đi nhưng vẫn ở mức cao, gây tổn thất lớn. Điều này được Ban giám đốc EVN lý giải nguyên nhân do cơ sở hạ tầng, hạn chế của đường dây tải điện 500kW Bắc Nam. 

Tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN vẫn chưa được kiểm soát

Mục tiêu chiến lược đề ra của EVN năm 2014 là “Tối ưu hóa chi phí và cung cấp đủ điện cho miền Nam”. Dựa vào đó, hàng loạt các nhà máy được đầu tư, các dự án nhiệt điện, thủy điện khởi công tưng bừng với sự ủng hộ và quan tâm sát sao của Chính phủ. Tính đến hết năm 2013, đầu tư xây dựng cơ bản của EVN là 104.791 tỷ đồng, tăng 46,68% so với năm 2012, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sánh ngang với vốn đầu tư khổng lồ đó, khoản chi trả lãi vay của EVN phải xoay sở cũng không hề khiêm tốn, lên đến 21.840 tỷ đồng. Được biết, hiện nay tất cả các ngân hàng đã cho Tập đoàn điện lực Việt Nam vay vượt ngưỡng cho phép đối với 1 đơn vị, các khoản vay đều phải thông qua sự cho phép của Thủ tướng.

Thế nhưng, những dự án mang đầy hy vọng của nhân dân đó hầu hết đều chậm tiến độ thi công, nguyên nhân do “gặp khó khăn trong giải quyết mặt bằng hoặc huy động vốn đầu tư”. EVN vẫn mua điện ngoài với giá cao từ Trung Quốc, rồi kêu ca giá thành cao hơn giá bán. Và đến hẹn lại lên, cứ tầm tháng 5,6,7, EVN vẫn thông báo cúp điện vì trục trặc kỹ thuật, khô hạn gay gắt mà không hề có phương án dự phòng khả thi nào được đưa ra.

Hàng loạt dự án được đầu tư nhưng EVN vẫn phải mua điện ngoài 

Đáng lưu ý hơn nữa, chi phí nhân công cho ngành điện là không hề nhỏ. Theo như báo cáo của Tổng giám đốc EVN trong buổi làm việc với Thủ tướng chính phủ mới đây, hiện tại năng suất lao động ngành điện thấp đến kinh ngạc, riêng lực lượng đọc số thu tiền hàng thàng chiếm tới 67.000 lao động. Như vậy, mỗi tháng các kỹ sư được đào tạo bài bản đến từng hộp số, từng nhà dân một lần, vẫn tính vào đội ngũ nhân lực hùng hậu của EVN. Rồi hàng loạt lớp đào tạo cán bộ nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng được tiến hành, nhưng thử hỏi có bao nhiêu hộ dân được tuyên truyền quảng bá hình ảnh của EVN ngoài 10 triệu tin nhắn từ tổng đài cung cấp thông tin, con số mà EVN tự hào “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng”.

Những vấn đề mà Tập đoàn điện lực Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là những vấn đề chung của xã hội. Việc quản lý, sử dụng vốn không hiệu quả làm thất thoát, lãng phí đồng tiền bỏ ra, hệ thống quản lý, nhân sự còn cồng kềnh, hệ số biên chế nhân sự lớn. Hay tiến độ thực hiện các dự án không công khai, minh bạch, các công ty kiểm toán không phát hiện kịp thời sai phạm trong tình hình tài chính của Tập đoàn, đến khi kiểm toán nhà nước vào cuộc mới gây nên hàng loạt hệ quả không hay. Liệu EVN có thể đi những bước đi đúng hướng, phục vụ lợi ích của xã hội mà vẫn đạt được những thành tựu mong muốn?

Hoa Liên

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến