EVN đã thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn nhưng vẫn chưa thể có lãi. Ảnh: EVN.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 154.045 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, EVN đã thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn quý vừa rồi và báo lãi gộp 8.527 tỷ đồng.
Kỳ vừa qua, chi phí tài chính của EVN tăng mạnh 35% lên 6.594 tỷ đồng. Bên cạnh áp lực từ các khoản lãi vay, tập đoàn còn chịu lỗ chênh lệch tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng.
Chi phí bán hàng của EVN trong quý II cũng tăng gần 19% lên 1.628 tỷ đồng. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang ở mức hơn 3.400 tỷ đồng.
Dù đã có lãi gộp, gánh nặng từ các loại chi phí vẫn khiến EVN lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng. Dẫu vậy, con số này đã thu hẹp khoảng 85% so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Sau 6 tháng kinh doanh đầu năm, doanh thu thuần của Tập đoàn Điện lực tăng 23% lên 283.907 tỷ đồng trong khi lỗ nhuận sau thuế ở mức 8.652 tỷ đồng, giảm đáng kể (71%) so với cùng kỳ.
Khoản lỗ này khiến lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2024 của EVN tăng lên 52.016 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của EVN đạt gần 653.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 74.500 tỷ đồng. Nhờ khoản đầu tư khổng lồ này, tập đoàn thu về gần 993 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay trong kỳ. Tuy nhiên, số thu này đã giảm 55% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất huy động đầu năm tại hầu hết ngân hàng ở mức thấp.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của EVN đã tăng 3% lên 465.440 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ vay cuối kỳ của tập đoàn đạt gần 314.200 tỷ đồng, chiếm hơn 87% là nợ dài hạn. Trong 6 tháng đầu năm, EVN cũng đã phải trả gần 7.724 tỷ đồng lãi vay.
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức vào giữa tháng 7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết tập đoàn kỳ vọng giảm khoản lỗ năm nay xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng nhờ những yếu tố thuận lợi như vận hành được thủy điện, giảm chi phí mua điện.
"Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỷ đồng. Cuối năm nay, lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ, nhưng vẫn sẽ lỗ cả năm", lãnh đạo EVN cho biết.
Lý giải tình trạng thua lỗ của EVN, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 21/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý điện một là trong những mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Ở đầu vào, EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.
Song, dù phải mua điện với cơ chế giá thị trường, EVN lại phải đảm bảo bình ổn giá đầu ra. Yêu cầu này khiến giá mua vào và bán ra của EVN đã chênh lệch tới 208-216 đồng/kWh.
Để EVN không lỗ trong tương lai, Bộ Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực và sẽ trình trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng (bao gồm giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện) để đảm bảo khách quan.
Tác giả: Minh Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy