Dòng sự kiện:
Eximbank sắp có biến động mới?
01/11/2019 16:42:02
Dù năm 2019 còn chưa kết thúc và ĐHĐCĐ bất thường 2019 lần thứ 2 hồi cuối tháng 6 vừa qua còn bất thành, nhưng Eximbank đã công bố thông tin bất thường liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Theo đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank - EIB) cho biết đã thông qua Nghị quyết số 574/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 30/10/2019 liên quan đến lộ trình tổ chức họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020. HĐQT thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 22/11/2019 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

HĐQT Eximbank cũng thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 10/3/2020 để cổ đông thực hiện Quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Dù chưa hết năm 2019 nhưng Eximbank đã công bố thông tin bất thường liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Đây là động thái bất ngờ của Eximbank bởi năm 2019 còn chưa kết thúc và đại hội cổ đông bất thường 2019 lần thứ 2 hồi cuối tháng 6 vừa qua còn bất thành, chủ yếu xoay quanh vai trò của một số thành viên trong Hội đồng quản trị cũng như mối bất hòa giữa nội bộ lãnh đạo cấp cao nhất ở nhà băng này. 

Còn nhớ tại đại hội, các cổ đông đã tranh luận về tư cách chủ tọa điều hành đại hội của ông Cao Xuân Ninh - chủ tịch HĐQT. Các nhóm cổ đông cũng có những bất hòa khác liên quan đến vị trí chủ tịch của ngân hàng và đã có 2 lần các cổ đông gửi đơn lên tòa án xin giải quyết. Ngay sau đó, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TPHCM (Cục II) đã chỉ đạo Eximbank rà soát, báo cáo về công tác quản trị điều hành của Eximbank.

Trong diễn biến mới nhất, trung tuần tháng 10 vừa qua tòa án đã có quyết định bác đơn khiếu nại của cổ đông là CTCP Rồng Ngọc về việc đình chỉ quyết định bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc và ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Quyền Tổng giám đốc. Theo đó, ông Cao Xuân Ninh hiện vẫn là chủ tịch của nhà băng này và ông Nguyễn Cảnh Vinh vẫn là quyền Tổng giám đốc.

Dẫu vậy, theo giới quan sát, động thái của Eximbank liên quan đến việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 sớm là một chuyển động đáng lưu ý. Rất có thể tới đây ngân hàng này sẽ có những thay đổi bất ngờ.

Mới đây, Eximbank cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019. Đáng chú ý, ngay cả khi đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 100 tỷ, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank vẫn tăng trưởng âm (2,9%) so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng .

Tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng của Eximbank chỉ đạt 3.225 tỷ, giảm 2,61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập góp  vốn cổ phần giảm mạnh 99% xuống còn 4 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, Eximbank đã ghi nhận khoản thu đột biến hơn 520 tỷ từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.

Trong khi đó, nhìn chung các mảng kinh doanh khác có kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 5% đạt 2.423 tỷ; kinh doanh ngoại hối có lãi 232 tỷ, tăng 56%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 127 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 34 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 63% đạt 190 tỷ đồng.

Theo lý giải của Eximbank, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh do lãi từ mua bán trái phiếu và một phần do ngân hàng đã bán hết cổ phiếu của một công ty đã đầu tư trước đây. Lãi từ hoạt động khác tăng mạnh do Eximbank tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ từ các khoản vốn đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động sụt giảm, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng.

Eximbank cho biết, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank năm 2018 thì LNTT 9 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng tăng 79,61% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối tháng 9, tổng tài sản của Eximbank là 158.596 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 3,3% đạt 107.433 tỷ. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 13,3% đạt 134.467 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 1.833 tỷ, giảm 4,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,85% xuống còn 1,71%.

Ngân hàng vẫn còn 4.708 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 1.621 tỷ.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến