Lý giải bức tranh lợi nhuận ngân hàng
Lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng hai chữ số khiến ngân hàng tiếp tục trở thành "điểm sáng" nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với mức tăng trưởng phổ biến trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại tọa đàm Ngành ngân hàng - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn do SSI tổ chức diễn ra ngày 28/7, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI đã có những lý giải về bức tranh kết quả lợi nhuận ngành ngân hàng trong nửa đầu năm.
Theo bà Phương, có cả yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm ngành ngân hàng. Đầu tiên về nguyên nhân khách quan, bà Phương cho biết nửa đầu năm ngoái là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lúc này ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Bà Phương phân tích, trên cơ sở nền tăng thấp năm ngoái nên nửa đầu năm nay các ngân hàng đồng loạt ghi nhận tăng trưởng cao. Thêm nữa, kinh tế đang trong giai đoạn lãi suất giảm, duy trì mức thấp liên tục tạo thuận lợi cho ngành ngân hàng.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI và ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (bên phải) tham dự tọa đàm.
Ngoài ra chuyên gia SSI cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan tạo nên bức tranh tăng trưởng tốt từ nhóm ngân hàng. Đầu tiên là khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng thời điểm này đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, có thể phòng thủ trước các rủi ro phát sinh.
Thứ hai các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn nhưng với chi phí quản lý thấp hơn. Theo thống kê mức chi phí quản lý ngân hàng giảm mạnh trong 4 năm vừa qua. Thứ ba là ngân hàng ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng hơn như trái phiếu, bảo hiểm… tạo nguồn thu tốt hơn.
"Ngân hàng đã có thay đổi tích cực hơn nhiều so với chu kỳ trước đây, giúp cho định giá ngân hàng quay lại mức đỉnh", bà Phương cho hay.
Thực tế khi công bố kết quả kinh doanh có quá nhiều chỉ số được đưa ra, vậy chỉ số nào đáng quan tâm nhất để nhà đầu tư mới nhìn vào đó nhận định ngân hàng này đủ tốt để đầu tư?
Trả lời câu hỏi này, bà Phương cho biết, ngân hàng vốn là ngành có chỉ số đặc thù. Dưới góc độ đầu tư có thể quan tâm 2 nhóm chỉ số chính. Trong đó về nhóm chất lượng tài sản thì có chỉ số nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Theo bà Phương, chỉ số nợ xấu năm 2012 là 2,25%, còn hiện nay là 1,3%. Ngoài ra chuyên gia SSI cho rằng khi lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến các chỉ số quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng gồm ROE (tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu), CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) và NIM (biên lãi thuần).
"Trong những chỉ số này, quan trọng nhất là ROE, chỉ số này càng cao càng tốt. Trước đây, trong giai đoạn 2012-2016, tỷ lệ ROE của các ngân hàng chỉ khoảng 10,5-12% nhưng gần đây các ngân hàng niêm yết đã đạt gần 20%, thậm chí cá biệt có ngân hàng đạt trên 20%", bà Phương cho hay.
Ngân hàng đồng loạt tăng vốn, nhà đầu tư quan tâm gì?
Tại tọa đàm, vấn đề hàng loạt các ngân hàng chuẩn bị tăng vốn được các chuyên gia chia sẻ. Câu hỏi đặt ra, áp lực gì khiến ngân hàng tăng vốn và nhà đầu tư nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho biết, theo thống kê phần lớn các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng lớn, mức hệ số an toàn vốn (CAR) chỉ nằm trong khoảng 9% đối với ngân hàng cổ phần. Chưa kể đối với ngân hàng vốn Nhà nước thì hệ số này còn thấp hơn, vì việc tăng vốn khó hơn do có nhiều cơ chế điều tiết.
Mỗi khi các ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro như dư nợ hoặc danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hay các danh mục có rủi ro khác thì lượng vốn tự có cũng đòi hỏi phải tăng lên tương ứng và để duy trì CAR ở mức 8% (mức tối thiểu) thì vẫn chưa đạt yêu cầu.
Cũng theo ông Hưng, một ngân hàng để được xếp hạng A theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo chuẩn CAMELS, thì phải duy trì hệ số CAR là trên 10% cho vốn cấp một và trên 12% cho vốn cấp hai. Nếu tiến tới Basel III, tỷ lệ vốn còn yêu cầu cao hơn (tăng thêm 2,5% so với trước) và những yêu cầu về vốn cấp một cơ bản tức vốn tự có của ngân hàng cũng nâng cao hơn.
CEO TPBank cho rằng chỉ khi một ngân hàng có quy mô và vốn tự có lớn mới có sức chống chịu trước các biến động của thị trường mới lớn và mới có cơ hội tăng trưởng. "Yêu cầu tăng vốn lúc nào cũng rất bức thiết với ngân hàng", ông Hưng nhấn mạnh.
Còn theo góc nhìn của bà Hoàng Việt Phương, áp lực tăng vốn cũng gia tăng khi ngân hàng Việt mới chỉ áp dụng đến Basel II, một số mới đang tiến đến Basel III trong khi các nước trong khu vực phần lớn đã tiến đến Basel III.
Đồng thời, việc tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện tại đang không theo kịp mức độ tăng trưởng của tài sản rủi ro. Bà Phương cho biết, một ngân hàng lớn hiện nay của Việt Nam rất khó đạt được tiêu chuẩn Basel II do chưa kịp tăng được vốn.
Trả lời về diễn biến cổ phiếu ngành ngân hàng cuối năm nay, ông Nguyễn Minh Hạnh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI - cho biết câu chuyện thị trường vốn rất khó đoán.
Ông Hạnh cho hay, thời điểm năm ngoái mọi người đa phần đều nghĩ đến "bi quan", không ai nghĩ cổ phiếu nhóm ngân hàng tài chính "làm nên chuyện". Vị chuyên gia dự báo, đối với nhóm ngành chiếm 35% vốn hóa thị trường như ngân hàng thì nếu thị trường đi lên thì sẽ không thể đi xuống. Còn nếu đi thị trường đi xuống thì ngành này cũng sẽ đi xuống.
Tác giả: Nguyễn Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy