Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (Nguồn: Washington Post)
Báo cáo “Sách Be” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) công bố ngày 2/9 cho thấy, đà tăng trưởng kinh tế và kiến tạo việc làm vẫn được duy trì trên hầu hết các khu vực của nước Mỹ, song tốc độ tăng ở nhiều khu vực đã chậm lại trong khi chi tiêu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng này, báo cáo của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ đã không phục hồi mạnh mẽ như Tổng thống Donald Trump đã kỳ vọng khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020 đang tới gần.
Dựa trên các số liệu tính đến ngày 24/8, báo cáo "Sách Be" của Fed cho biết doanh số bán nhà và xe tại Mỹ đã tăng mạnh. Song nhiều khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong các lĩnh vực này đang chậm lại và tổng chi tiêu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Việc làm về tổng thể vẫn đi lên, với mức tăng trong lĩnh vực chế tạo được chú ý nhiều nhất. Tuy nhiên, một số khu vực cũng báo cáo tăng trưởng việc làm chậm lại và những bất ổn trong hoạt động tuyển dụng gia tăng.
Một báo cáo độc lập của công ty dịch vụ quản lý nhân sự ADP công bố cùng ngày cho biết, khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra 428.000 việc làm mới trong tháng Tám, thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích.
Theo nhận xét của chuyên gia Rubeela Farooqi thuộc công ty tư vấn High Frequency Economics, báo cáo cho thấy sự yếu kém tiềm ẩn trong khu vực tư nhân. Nếu tháng Tám ghi nhận sự sụt giảm mạnh về tốc độ kiến tạo việc làm, đó sẽ là một tín hiệu cảnh báo về tính bền vững của hoạt động này. Điều đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh liên tục xảy ra những gián đoạn ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp và có thể dẫn tới sa thải vĩnh viễn.
Fed cũng cho biết phía các công ty báo cáo rằng họ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động. Đây là một vấn đề phức tạp bởi sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em vào ban ngày, cũng như sự không chắc chắn về năm học tới và các biện pháp trợ cấp thất nghiệp của chính phủ.
Hồi cuối tháng Ba, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật CARES trị giá 2.200 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19. Ở một số khu vực, Fed cho biết tác động của dự luật là tích cực đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ khác.
Giữa lúc nhiều doanh nghiệp khó khăn vì dịch COVID-19, bao gồm cả ngành hàng không, đang kêu gọi chính phủ có thêm các biện pháp cứu trợ, thì khoản nợ và thâm hụt ngày một “phình to” đang ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Mỹ.
Trong một báo cáo riêng công bố ngày 2/9, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết “núi nợ” của Chính phủ Mỹ sẽ vượt qua quy mô của nền kinh tế quốc gia tài khóa tới.
Theo báo cáo của CBO, nợ chính phủ của Mỹ dự kiến tăng mạnh lên tương đương 98% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong tài khóa 2020, trước khi vượt mức 100% GDP trong tài khóa 2021 và lên tới tương đương 107% GDP trong tài khóa 2023. Đây là mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt qua mức đỉnh trước đó vào năm 1946 sau Thế chiến II.
CBO cũng dự báo thâm hụt ngân sách năm nay của Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp ba lần lên 3.300 tỷ USD, tương đương 16% GDP - mức lớn nhất kể từ năm 1945./.
Tác giả: Võ Thị Hương Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy