Dòng sự kiện:
Fed dường như không muốn dùng việc mua trái phiếu để kiểm soát lợi suất
20/08/2020 10:30:57
FOMC bày tỏ lo ngại về tương lai kinh tế Mỹ trong biên bản họp mới nhất, cho rằng dịch Covid-19 có khả năng tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng và gây nguy hại đến hệ thống tài chính.

Tại phiên họp ngày 28-29/07, Ủy ban của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đồng loạt nhất trí giữ lãi suất ở gần mức 0 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn lâu mới trở về mức trước đại dịch.

các quan chức “nhất trí rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện tại sẽ giáng đòn nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời tạo rủi ro khổng lồ đến triển vọng kinh tế trung hạn”, trích từ biên bản họp.

Khi Chủ tịch Jerome Powell và các nhà lãnh đạo Fed nhiều lần nhấn mạnh, biên bản họp lưu ý đến sự cấp thiết của gói hỗ trợ tài khóa từ Quốc hội. Hiện tại, cuộc đàm phán giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về gói hỗ trợ đang rơi vào thế bế tắc khi các yếu tố quan trọng như hỗ trợ thất nghiệp 600 USD/tuần hết hạn.

Biên bản họp “nhấn mạnh sự cần thiết của gói hỗ trợ tài khóa”, Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Prudential Financial, nhận định. “Chủ tịch Powell quả quyết cho rằng chúng ta cần thêm một gói hỗ trợ, nhất là vì họ nhận thấy những tác động tiêu cực từ đợt giảm tốc”.

Những nhận định trên còn chỉ ra thêm rằng dường như các quan chức Fed bác bỏ khả năng sử dụng việc mua trái phiếu để kiểm soát lợi suất trái phiếu Chính phủ.

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau biên bản họp của Fed và đồng USD đi lên.

Vì tác động nặng nề của dịch Covid-19 tới nền kinh tế Mỹ, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) kỳ vọng giữ lãi suất chuẩn ở phạm vi 0-025% cho đến khi họ “tự tin nền kinh tế đã vượt qua cơn bão hiện tại và đang trên đường đạt được mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá”.

Quý 2/2020, GDP Mỹ rớt 32.9% so với cùng kỳ năm trước khi đại dịch đóng sầm cánh cửa hoạt động của các hoạt động không thiết yếu. Các chuyên gia kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ trở lại đà tăng trưởng trong quý 3/2020, mặc dù sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19 đang làm nảy sinh hoài nghi về khả năng hồi phục của nền kinh tế.

Cùng với những nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, các thành viên còn e dè trước rủi ro tác động đến hệ thống tài chính.

Trước đây, ông Powell và các quan chức Fed khác nhiều lần cho rằng các ngân hàng và định chế tài chính nhìn chung vẫn trong trạng thái vững mạnh. Tuy nhiên, tại cuộc họp, các thành viên bày tỏ lo ngại về tình hình của các định chế tài chính nếu dịch Covid-19 kéo dài và kịch bản “bất lợi hơn” xuất hiện.

Các quan chức đau đáu về gánh nặng nợ công.

Chính phủ liên bang Mỹ đang nợ 26.6 ngàn tỷ USD, trong đó nợ tăng hơn 3 ngàn tỷ USD trong đại dịch Covid-19 khi Quốc hội và Nhà Trắng đẩy nhanh các gói hỗ trợ đến những ai bị tác động vì tình trạng phong tỏa kinh tế. Điều này cũng thôi thúc Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ồ ạt và việc phát hành này “có thể tác động đến sự vận hành của thị trường”.

Kiểm soát đường cong lợi suất và định hướng chính sách

Bên cạnh việc tìm hiểu lý do đằng sau các quyết định chính sách, nhà đầu tư cũng tập trung vào những manh mối về “định hướng chính sách” (forward guidance) – hoặc các tham số để đưa ra động thái lãi suất tương lai.

Về vấn đề áp trần lợi suất, các quan chức tiếp tục hoài nghi về sự hữu dụng của biện pháp này.

“Trong số những thành viên bàn luận về phương án này, phần lớn đều đánh giá việc áp trần và mục tiêu lợi suất nhiều khả năng chỉ mang lại lợi ích khiêm tốn trong môi trường hiện tại, khi phương pháp định hướng chính sách lãi suất dường như rất đáng tin cậy và lãi suất dài hạn vẫn còn ở mức thấp”, trích từ biên bản họp.

Định hướng chính sách có thể được cập nhật, nhưng Fed không nói rõ về khung thời gian.

Các thành viên chỉ rõ “việc làm rõ thêm về lộ trình phạm vi lãi suất mục tiêu sẽ hợp lý ở một số thời điểm”.

Hình thức thực hiện có thể là sẽ “dựa trên kết quả” hoặc hướng tới việc đạt mục tiêu cụ thể trước khi thay đổi lãi suất. Nhiệm vụ hiện tại của Fed là “toàn dụng nhân công và ổn định giá”, nhưng phương pháp định hướng chính sách dựa trên kết quả có thể thêm vào các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

Cuộc trao đổi giữa các thành viên cũng bao gồm thảo luận về chương trình mua trái phiếu hiện tại của Fed và hiện số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng từ gần 4.4 ngàn tỷ USD (trước đại dịch) lên 7 ngàn tỷ USD hiện tại. Các quan chức không sử dụng thuật ngữ "nới lỏng định lượng" để mô tả các nghiệp vụ mua trái phiếu. Thay vào đó, nhiều quan chức nhìn nhận việc Fed mua cổ phiếu đóng “vai trò nới lỏng điều kiện tài chính và hỗ trợ cho đà hồi phục kinh tế”.

Tác giả: Vũ Hạo dịch theo CNBC

Theo: Fili.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến