Phố Wall đi xuống trong phiên ngày thứ Ba (5/4), do sự yếu kém của các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khác, sau khi nhận xét từ Thống đốc Fed, bà Lael Brainard khiến các nhà đầu tư lo sợ về các hành động diều hâu hơn của Fed để kiểm soát lạm phát.
Tại một hội nghị trực tuyến của chi nhánh Fed tại Minneapolis, Lael Brainard cho biết, bà hy vọng việc tăng lãi suất một cách có tính toán và cắt giảm nhanh chóng bảng cân đối kế toán của Fed sẽ đưa chính sách tiền tệ của Mỹ về "vị trí trung lập hơn" vào cuối năm nay, với việc thắt chặt hơn nữa khi cần thiết.
Kristina Hooper, Chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu tại Invesco, cho biết bình luận của Brainard “khiến Fed sẵn sàng hành động mạnh tay hơn. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán vì lo ngại rằng điều này làm tăng khả năng suy thoái kinh tế”.
Công nghệ là một trong số những lĩnh vực giảm mạnh nhất phiên này, với các cổ phiếu sản xuất chip như Nvidia sụt 5,2% và AMD mất hơn 3%.
Một số người tin rằng các công ty công nghệ có thể bị tổn hại nhiều nhất bởi chiến dịch nâng lãi suất của Fed, vì nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ít hơn và mua vào những cổ phiếu có lợi nhuận ổn định, hơn là những cổ phiếu tăng trưởng hứa hẹn lợi nhuận lớn trong tương lai.
Chỉ số Nasdaq vốn nặng về công nghệ đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng, với sự sụt giảm của các cổ phiếu lớn Apple và Amazon.
Còn trong số các ngành thuộc S&P 500, nhóm công nghệ giảm 2,2% trong khi hàng tiêu dùng giảm 2,4%.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là của Twitter, khi đã tăng thêm 2%, khi công ty truyền thông xã hội cho biết Elon Musk sẽ có một ghế trong hội đồng quản trị.
Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Dow Jones giảm 280,70 điểm (-0,80%), xuống 34.641,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 57,52 điểm (-1,26%), xuống 4.525,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 328,39 điểm (-2,26%), xuống 14.204,17 điểm.
Chứng khoán châu Âu giao dịch thận trọng, khi các nhà đầu tư chờ đợi một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, trong khi chỉ số bluechip của Pháp sụt giảm sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho cuộc bầu cử tổng thống.
Thị trường Pháp dậy sóng trước nguy cơ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, sau khi cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Le Pen đạt được tỷ lệ ủng hộ 48,5%, mức cao nhất từng ghi nhận đối với ứng viên này.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,2%, lấy lại một số mức tăng được thực hiện trước đó trong ngày, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,3% để đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong gần một tháng.
Jessica Hinds, nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics, cho biết: “Một chiến thắng cho Le Pen sẽ làm xấu đi tình hình tài chính công và đặt dấu hỏi về vị trí của Pháp ở châu Âu, khiến các nhà đầu tư lo lắng”.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát của PMI cho thấy tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng euro đã nhích lên vào tháng trước nhờ sự tái mở cửa của các nền kinh tế, nhưng chi phí năng lượng tăng cao và xung đột Nga-Ukraine vẫn đang đe dọa đà phục hồi.
Chỉ số STOXX 600 đã phục hồi khoảng 14% từ mức thấp nhất sau khi "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga vào Ukraine bắt đầu, nhưng vẫn ghi nhận giảm khoảng 5% trong năm.
Kết thúc phiên 5/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 54,80 điểm (+0,72%), lên 7.613,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 93,80 điểm (-0,65%), xuống 14.424,36 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 85,86 điểm (-1,28%), xuống 6.645,51 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ nhờ sức ảnh hưởng của Phố Wall đêm qua, mặc dù nhà đầu tư thận trọng về triển vọng doanh nghiệp đã hạn chế đà tăng của thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch tết Thanh Minh.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, hỗ trợ bởi cổ phiếu các công ty sản xuất pin và internet, mặc dù những lo lắng về cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến đà tăng chậm lại.
Kết thúc phiên 5/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 51,51 điểm (+0,19%), lên 27.787,98 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,30 điểm (+0,05%), lên 2.759,20 điểm.
Giá vàng thế giới ngày thứ Ba suy yếu sau khi một quan chức Fed thúc đẩy tiến trình tăng lãi suất nhanh và quyết liệt hơn. Điều này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức 2,466%. Lợi suất trái phiếu tăng vọt đã gây áp lực lên thị trường kim loại quý.
Kết thúc phiên 5/4, giá vàng giao ngay giảm 11,5 USD xuống 1.921,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm hơn 2 xuống 1.925,3 USD/ounce.
Giá dầu lao giảm do chịu sức ép của đồng USD mạnh lên, nhưng mức giảm không lớn, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung bởi các lệnh trừng phạt tiềm tàng mới đối với Nga.
Kết thúc phiên 5/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,32 USD (-1,29%), xuống 101,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,89 USD (-0,83%), xuống 106,64 USD/thùng.
Tác giả: Lạc Nhạn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy