Dòng sự kiện:
Fed tăng lãi suất, không bất ngờ, tác động nhỏ
22/12/2017 07:24:33
Ngày 13-12, Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất Fed (Fed funds rate) lên mức 1,5%, tức là tăng thêm 0,25%.

Lãi suất Fed là mức lãi suất cho vay ngắn hạn mà các ngân hàng áp dụng trong việc cho vay các khoản dự trữ của mình ở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Đây là lần tăng lãi suất Fed thứ ba trong năm 2017 và là lần tăng cuối cùng trong năm. Thị trường kỳ vọng mức lãi suất Fed sẽ tăng lên 2% trong năm 2018 và 2,5% trong năm 2019.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, thị trường tin rằng tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ có xu hướng chậm lại trong các năm 2018 và 2019. Nguyên nhân chính là do kinh tế Mỹ tăng trưởng khá khi lạm phát cơ bản ở dưới mức mục tiêu 2% của Fed. Với mục tiêu hướng tới tối ưu hóa việc làm và đảm bảo ổn định giá cả, rõ ràng tình hình hiện tại không có sức ép nào buộc FOMC phải tăng lãi suất nhanh hơn cả.

Fed sẽ không tăng lãi suất mạnh nếu lạm phát tiếp tục dưới mức 2% như hiện tại.

Nhìn chung cũng giống như Việt Nam, khi mà các loại lãi suất chính sách chủ chốt như lãi suất Fed tăng lên, sớm muộn thì các loại lãi suất trong nền kinh tế Mỹ cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, mức tăng 0,25% này không bất ngờ và nằm trong khả năng chịu đựng của kinh tế Mỹ, vốn đang trên đà tăng trưởng khá. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ sẽ “bùng nổ” trong năm 2018 với mức tăng trưởng 2,5% so với mức 2,2% của năm 2017 và 1,6% của 2016. Mức thất nghiệp tháng 11-2017 của Mỹ được ước tính vào khoảng 4,1%.

Trong khi đó, lạm phát Mỹ đang ở mức thấp hơn mục tiêu lạm phát 2% của Fed (mức tăng chỉ số CPI lõi chỉ có 1,7%). Kinh tế tăng trưởng “bùng nổ”, thất nghiệp thấp mà lạm phát cũng thấp đang là một câu đố cho các nhà kinh tế học và các nhà điều hành chính sách Fed. Điểm mấu chốt là nhiều nhà kinh tế cho rằng với mức tăng trưởng kinh tế khá và thất nghiệp thấp, niềm tin tiêu dùng và mức tăng lương trong nền kinh tế Mỹ trước sau gì cũng phải vọt lên.

Bất chấp nhiều lý giải cho tình trạng lạm phát thấp hiện tại là do công nghệ mới (như bán hàng trực tuyến, các ứng dụng so sánh giá cả) và vì vậy lạm phát thấp không phải tạm thời mà là một trạng thái dài hạn mới, rủi ro giá cả bật lên trở lại luôn hiện diện. Các nhà lãnh đạo Fed sẽ không muốn chậm chân trong việc tăng lãi suất và phải chạy theo sau giá cả. Nhưng nếu tăng “quá tay”, kinh tế trì trệ và thất nghiệp tăng lên thì đó chắc chắn không phải mong muốn của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Ông Powell thừa hưởng một di sản được xem là thành công của bà Yellen và với việc ông được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng từ Tổng thống D.Trump hơn bà Yellen, ông ta nhiều khả năng sẽ chọn giải pháp không tăng lãi suất quá tay, nhất là nếu lạm phát tiếp tục thấp.

Chính vì vậy, thị trường tin rằng lãi suất Fed sẽ tăng đến 2% trong năm sau là cùng. Điều đó dựa trên dự báo là lạm phát sẽ hơi thấp hơn mức 2% trong năm sau, như tình trạng những năm gần đây cho thấy.

Tác động của tăng lãi suất Fed: dự đoán sẽ không lớn vì thiếu yếu tố “bất ngờ” và “khó đoán”.

Với dân Mỹ, tác động của mức lãi suất chính sách cao hơn sẽ dần chuyển qua mức lãi suất cao hơn đối với các khoản cho vay mua nhà, xe và thẻ tín dụng. Giới đầu tư chứng khoán Mỹ tỏ ra khá yên tâm sau khi không có gì bất ngờ lớn với quyết định lãi suất cũng như trong biên bản họp của Fed.

Trong khi đó, rủi ro các ngân hàng trung ương (NHTƯ) chủ chốt khác sẽ tăng lãi suất theo Fed cũng không lớn. Chính sách của ECB ở châu Âu và NHTƯ Nhật vẫn sẽ hướng tới nới lỏng trong tầm kiểm soát thay vì thắt chặt ngay. Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ duy trì một chính sách lãi suất tương đối dễ thở để thúc đẩy tăng trưởng và chuẩn bị cho tình huống xảy ra những cú sốc trên thị trường tài chính.

Tác động tới tỷ giá của Việt Nam trong đợt tăng lãi suất này cũng được dự đoán là không lớn. Thứ nhất là vì không có nhiều bất ngờ. Thứ hai, năm nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng cao do vốn FDI, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá mạnh cộng với kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vừa qua.

Về mặt lãi suất, hiện tại không có sự liên hệ chặt chẽ giữa lãi suất đồng đô la Mỹ quốc tế và lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng của Việt Nam, hơn nữa mức tăng lãi suất 0,25% không nhiều khả năng sẽ tạo ra sự khác biệt. Mức lãi suất đô la Mỹ tăng vừa phải cũng không có tác động hãm phanh hay đảo ngược vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán mới nổi ngay, do đó, có thể đánh giá đợt tăng lãi suất này không có tác động lớn, chủ yếu vì nó không có yếu tố “bất ngờ”.

Nói như một người bạn đang làm tại quỹ đầu tư ở New York, toàn thế giới đang “mở tiệc” ăn mừng cho một năm 2017 “làm ăn được” và những diễn biến cuối năm không có bất ngờ gì theo hướng xấu. Tuy nhiên, đó lại là điều nguy hiểm bởi vì nhiều người đang cho rằng khả năng “trật chìa” của các kịch bản lạm phát và tăng trưởng ở Mỹ cũng như toàn cầu trong năm 2018 là thấp.

Khi người ta không có chuẩn bị thì khi bất ngờ ập đến, họ sẽ hoảng loạn và bất ổn sẽ tăng cao. Lãi suất chỉ là phản ứng của giới điều hành. Ẩn số thật sự đằng sau là con số lạm phát và tăng trưởng, vốn hết sức khó đoán nhưng nhiều người đang tin rằng sẽ không có bất ngờ gì. Nói về triển vọng kinh tế 2018, nhiều trang tin tài chính đang dùng những ngôn từ hết sức lạc quan như “bùng nổ”, “tiếp tục tăng”, “tăng trưởng màu hồng”, “tạo lập đỉnh cao lịch sử”...

Nhiều người vẫn đang vay mượn để đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ và trái phiếu có độ tín nhiệm thấp. Nếu lãi suất tăng nhanh, các nhà đầu tư này sẽ phải tháo chạy và bong bóng trái phiếu hay cổ phiếu công nghệ có thể vỡ. Một số quỹ mạo hiểm cũng có thể sẽ khó huy động vốn hơn khi chính sách tiền tệ đột ngột siết chặt và tăng trưởng được dự báo thấp hơn. Các bong bóng startup tỉ đô vì vậy có thể cũng sẽ vỡ. Có ý kiến cho rằng có nhiều người đang lướt những cơn sóng bong bóng này mà đang phấn khích tột độ như “chơi thuốc kích thích”. Sự thận trọng dường như không có chỗ trong thị trường đầy phấn khích hiện nay.

 Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến