Dòng sự kiện:
Fed tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm: Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
22/09/2022 19:22:38
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang cao kỷ lục 4 thập kỷ.

Ngay sau động thái của Fed, USD đã tăng giá mạnh, chỉ số DXY (đo lường biến động đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt) tăng lên mức 111,32 điểm, phá vỡ kỷ lục cao nhất 20 năm được thiết lập trước đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.

Chuyên gia nhận định, việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, việc Fed nâng lãi suất lên 0,75% đã nằm trong dự báo của các nhà đầu tư và chuyên gia trong thời gian vừa qua, do đó phản ứng của thị trường là bình thường, không quá "sốc".

“Tất nhiên, Mỹ tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị USD, thu hút vốn đầu tư về Mỹ. Việc tăng giá trị USD cũng làm giảm tương ứng giá trị của các đồng tiền khác trên thế giới. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của mỗi quốc gia", ông Thịnh nói.

Với Việt Nam, theo ông Thịnh, việc điều hành tỷ giá hối đoái vẫn tốt và ổn định. “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nâng cao sự ổn định, giữ vị thế đồng Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, chú trọng nhất là giữ ổn định đồng Việt Nam so với USD”.

USD tăng dẫn đến vay nợ trên trường quốc tế tăng lãi suất, gây sức ép tăng lãi suất đến Việt Nam, đây cũng là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết. Ông Thịnh cho rằng nếu không thể giữ ổn định tỷ giá thì mức trượt giá của VND so với USD nên khống chế để không vượt quá 2%.

“Tôi cho rằng cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay là đúng đắn, không những ổn định mà thậm chí là nâng cao tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD. Nếu có biến động thì cao nhất cũng chỉ mất giá 2%. Giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để ổn định lạm phát cơ bản, từ đó góp phần ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường và đảm bảo chỉ số lạm phát ở mức thấp”.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính - tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, việc Fed tăng lãi suất, kéo theo USD lên giá là một động thái không mới. Do đó, cũng giống như những lần trước, Việt Nam sẽ chịu một số tác động nhưng không quá lớn. Đầu tiên, việc này sẽ khiến chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên. Ngoài ra sẽ tác động một phần tới tỷ giá. Cuối cùng là việc này có thể tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.

Tuy nhiên, ông Lực nhận định, khả năng dịch chuyển vốn ở Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.

“Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, ông Lực khẳng định.

Ngoài ra, lần tăng lãi suất này có một số khác biệt so với những lần khác đó là Fed tăng lãi suất, đồng USD tăng giá trong bối cảnh chứng khoán Mỹ đang đi xuống vì đang có một số băn khoăn về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế khác. Nếu như liều lượng tăng lãi suất của Fed quá đà, quá mạnh, quá nhanh thì có thể dẫn đến hiện tượng suy thoái. Nếu xảy ra suy thoái, Việt Nam ít nhiều sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, khả năng xảy ra suy thoái với kinh tế Mỹ là tương đối thấp.

"Nền kinh tế thực của Mỹ vẫn còn tương đối tốt, chúng ta có thể thấy việc làm tăng, lương tăng, doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn có lãi. Thêm vào đó, mặt bằng giá cả và lạm phát trên thế giới ở nhiều nước đã và đang giảm di dần. Do đó, sắp tới Fed có thể sẽ cân nhắc lại tốc độ và mức độ tăng lãi suất. Như vậy thì khả năng suy thoái càng thấp hơn", chuyên gia Cấn Văn Lực dự báo.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cũng không đáng lo, bởi hiện nay chúng ta giữ ổn định được tỷ giá đồng Việt Nam so với USD, mà hợp đồng xuất nhập khẩu của chúng ta có đến 70% là bằng USD. Giữ ổn định được tỷ giá đồng nghĩa với việc giữ ổn định lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ông Lực cũng nhận định, ở mỗi kỳ tăng lãi suất của Fed, hầu như lần nào cũng vậy, doanh nghiệp xuất khẩu thì vui vì USD tăng giá, được hưởng lợi từ khoản chênh lệch, còn doanh nghiệp nhập khẩu thì buồn vì phải chi phí cao hơn.

“Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá đồng USD tại Việt Nam không tăng quá mạnh, có thể nói là tương đối ổn định do đó, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu cơ bản vẫn bình thường”, ông Lực nhận xét.

Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải theo sát động thái của Fed từ nay đến cuối năm. Nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn, tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý.

Sáng 22/9, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo "nóng" các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với việc Fed tăng lãi suất.

Thủ tướng chỉ đạo, chúng ta không được hoang mang, dao động; không lơ là, chủ quan mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, bình tĩnh, tự tin, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành kinh tế. Theo đó, tiếp tục mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Một trong những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh là phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên, trước mắt nghiên cứu hướng tăng lãi suất huy động; ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.

 Tác giả: Công Hiếu

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến