Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang gây áp lực tăng lãi suất cho vay.
Thêm cú hích từ FED
Ngày 26/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD và giữ nguyên chủ trương thắt chặt dần chính sách tiền tệ. Động thái này của FED dựa trên cơ sở dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo. FED dự kiến sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng 12 năm nay, 3 đợt nâng trong năm 2019 và một đợt nữa trong năm 2020.
Thị trường trong nước trước đó đã ghi nhận động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Cụ thể, đầu tháng 9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng nhẹ lãi suất huy động ở mức khoảng 0,1 điểm phần trăm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Theo đó, mức cũ 6,5%/năm áp ở các kỳ hạn này đã nâng lên 6,6%/năm. Trước đó, các ngân hàng lớn khác như Agribank, VietinBank, BIDV đều đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm.
Đánh giá về động thái tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, TS. Đặng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, xu thế tăng lãi suất này chủ yếu mang tính mùa vụ do thời điểm gần cuối năm, doanh nghiệp tăng nhu cầu vốn cho sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có vốn để gia tăng thanh khoản trước dịp Tết. Do đó, các ngân hàng nâng lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi. “Xu thế tăng lãi suất theo tính mùa vụ cuối năm thường sẽ sớm kết thúc trong những tháng đầu năm sau”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định là việc tăng lãi suất gần đây của các ngân hàng cũng phần nào chịu sự tác động từ động thái tăng lãi suất của FED, và động thái này có tác động tích cực, giúp hạn chế đà giảm giá của VND so với USD.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc FED tăng lãi suất ngày 26/9 và dự kiến còn tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mặt bằng lãi suất của Việt Nam với hai lý do.
Một là, từ khía cạnh tỷ giá USD/VND, khi lãi suất đồng USD tăng thì các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động VND để duy trì sức hấp dẫn của đồng nội tệ nhằm hạn chế tình trạng chuyển tiền gửi từ VND sang USD. Hai là, động thái của FED cũng có nghĩa mặt bằng lãi suất chung của thế giới đã tăng, do đó, nếu không tăng lãi suất VND có thể dẫn đến tình trạng có dòng vốn dịch chuyển từ trong nước ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao.
Lo ngại lạm phát
Bên cạnh tác động với thị trường tiền tệ, động thái tăng lãi suất huy động còn có thể ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường giá cả, bởi lãi suất huy động chính là căn cứ xây dựng các mức lãi suất cho vay, đây lại là một cấu phần không nhỏ trong chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khá lạc quan với biến động này, TS. Đặng Anh Tuấn nói: “Để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của biến động lãi suất với lạm phát, cần thực hiện các phương pháp tính toán khoa học dựa trên thông tin dữ liệu cụ thể. Thực tế, mức độ tăng lãi suất không cao nên ảnh hưởng với chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không quá lớn. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu tác động của các yếu tố khác, nên không hẳn đợt tăng lãi suất lần này có thể tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng”.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, dù có ảnh hưởng từ động thái của FED, song biến động lãi suất trong nước còn chịu tác động từ định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, dù FED tăng lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì lãi suất ổn định thì vẫn có thể dùng các công cụ chính sách để điều hành.
Không lạc quan như quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng Việt Nam theo mùa vụ trong tháng 9 và tiếp tục chịu tác động từ quyết định của FED sẽ đẩy lãi suất huy động và cho vay lên một mặt bằng mới, điều này chắc chắn là bất lợi cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
“Lãi suất sẽ tăng từ giờ đến cuối năm và còn kéo dài sang năm sau, do đó doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động bằng nguồn vốn đi vay mà chưa tận dụng được các nguồn huy động vốn khác. Chi phí vốn tăng thì chắc chắn giá thành tăng khiến giá bán hàng hóa tăng và ắt hẳn lạm phát sẽ chịu thêm sức ép mới”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo báo Đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy