Dòng sự kiện:
Gần 1.000 ngày mất tích bí ẩn của Diễm My trong vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai
05/11/2022 08:28:31
Hơn 2 năm qua, cô gái tên Diễm My vẫn mất tích bí ẩn khi gia đình, cơ quan điều tra đều tốn công sức đi kiếm tìm. Việc cô gái này không xuất hiện khiến giới luật sư có góc nhìn trái chiều về vụ án.

Võ Thị Diễm My là tên cô gái gắn liền xuyên suốt việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án xảy ra tại hộ dân được đặt tên "Tịnh thất Bồng Lai" (sau được đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ở cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, các cơ quan tố tụng đều xác định nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân (90 tuổi, tự xưng "thầy ông nội"), cầm đầu đã kéo tới gây rối tại Công an huyện Đức Hòa, vu khống cơ quan này bắt cóc Diễm My. Họ còn dựng video tung lên YouTube tiếp tục vu khống công an về việc bắt cóc đó.

Không chỉ sản xuất video xúc phạm công an, Lê Tùng Vân cùng một số người còn sản xuất video, xuất bản trên kênh YouTube của mình xúc phạm một Thượng tọa và Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An.

Chiều 3/11, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) 5 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Ảnh: H.L).

Diễm My mất tích bí ẩn từ năm 2020 tới nay

Theo diễn biến mới nhất tại phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của Lê Tùng Vân và đồng phạm liên quan vụ án hình sự Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân diễn ra trong hai ngày 2, 3/11, ông Vân khai trực tiếp làm lễ xuất gia cho Diễm My. Lúc đó "thầy ông nội" mặc áo vàng, Diễm My quỳ trước bàn thờ rồi thắp hương cho ông. Đây là lời khai mới so với phiên sơ thẩm cũng như giai đoạn điều tra.

Chỉ có điều, từ năm 2020 tới nay, Diễm My vẫn mất tích bí ẩn, chưa một lần lên tiếng về các sự việc liên quan tới mình. Kể cả khi được tòa triệu tập làm nhân chứng ở phiên sơ thẩm, phúc thẩm, cô gái chưa từng xuất hiện.

Có mặt ở cả hai phiên xét xử, cha mẹ ruột của Diễm My cho hay, hiện giờ họ không biết con mình ở đâu, làm gì. "Khi con gái về nhà sống 6 tháng thì tiếp tục bỏ nhà đi nơi nào không biết", mẹ Diễm My - bà Đoàn Tuyết Mai nói.

Theo bà Mai, bà đã gửi đơn đến Công an TPHCM, Công an tỉnh Long An trình báo về việc con gái mình mất tích.

Cha mẹ Diễm My tại phiên tòa ngày 2/11 (Ảnh: CTV).

Cũng tại tòa, nhân chứng Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an huyện Đức Hòa) cho biết, ngày 12/12/2019, ông được Ban chỉ huy Công an huyện giao giải quyết đơn của vợ chồng bà Mai về hành vi giam giữ trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân. Khi ông Thắng mời Diễm My và bố mẹ cô tới làm việc, cô gái không hợp tác, không ghi được lời khai nên cán bộ công an này giao lại cô cho gia đình.

Liên quan tới vai trò nhân chứng của Diễm My và việc cơ quan điều tra thu thập chứng cứ vụ án, trao đổi với Dân trí, Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 88 về Thu thập chứng cứ tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Cũng tại Bộ luật trên, Điều 91 quy định về lời khai của người làm chứng. Theo đó, người làm chứng trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

Điều luật cũng nêu rõ không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Võ Thị Diễm My mất tích bí ẩn từ năm 2020 tới nay.

Như thế, theo nội dung của các điều luật trên, Luật sư Vũ Quang Đức cho rằng việc Diễm My là nhân chứng mà vắng mặt tại cả hai phiên tòa, cũng như chưa có lời khai ở giai đoạn điều tra sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hành vi của các bị cáo trong vụ án này.

Vì vậy, Luật sư Đức nhận định trường hợp tìm được Diễm My và lấy lời khai của cô gái này, tùy thuộc vào lời khai của Diễm My và kết quả điều tra, xác minh các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn tin khác của Dân trí thì cho rằng, trường hợp không tìm thấy Diễm My cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra những sai phạm, những tố cáo về nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Ẩu đả giữa hàng trăm người với lý do giải cứu Diễm My

Diễm My từ nhỏ sinh sống cùng gia đình ở TPHCM. Cô gái được cho là ngoan hiền, thông minh, thay cha mẹ lo toan việc gia đình.

Năm 2019, My tình cờ quen biết bà Cao Thị Cúc và một số người cư ngụ tại Tịnh thất Bồng Lai. Từ đó, cô hay nhận được các cuộc điện thoại rủ về nơi này để học giáo lý 3 ngày trong tuần.

Đó là những thông tin do gia đình cô gái 23 tuổi kể lại với báo chí. Mẹ của Diễm My cho hay từ khi biết con gái kết giao với nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai, bà cảm nhận được sự bất thường, rồi chứng kiến con gái bỏ chuyến du học, muốn dẫn mẹ theo khi tu tập đắc đạo.

Cuối năm 2019, cô gái bỏ nhà đến tu hành ở Tịnh thất Bồng Lai. Bố My liên hệ với ông Vân nhưng người tự xưng "thầy ông nội" này chỉ cho gặp mặt, không cho đưa cô về. Một cuộc ẩu đả giữa hàng trăm người với lý do giải cứu Diễm My đã diễn ra tại tư gia tu hành gây sự chú ý của dự luận cũng như những tranh cãi trên mạng xã hội.

Sau đó, dù được bố mẹ đưa về sống với gia đình, song tới giữa năm 2020, Diễm My lại bỏ đi và mất tích từ đó.

Hình ảnh được cho là Võ Thị Diễm My - cô gái mất tích đầy bí ẩn thời gian qua.

Trong khi Diễm My vẫn mất tích bí ẩn, cuối năm 2021 một phụ nữ tên Châu Vĩnh Hòa (46 tuổi, ở TPHCM) bị kết án tội Cố ý gây thương tích khi tham gia cuộc ẩu đả với lý do giải cứu cô gái cuối năm 2019. Người đàn ông khi đó được gọi là sư thầy trước tòa đòi bà Hòa bồi thường 3,3 tỷ đồng để thẩm mỹ mặt, song cơ quan tố tụng chỉ tuyên bị hại phải bồi thường 9 triệu đồng.

Cuộc truy tìm rơi vào bế tắc

Ở diễn biến giai đoạn điều tra vụ án, tháng 5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm Võ Thị Diễm My để làm rõ những tố cáo liên quan nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Việc truy tìm vẫn diễn ra liên tục khi cơ quan điều tra tiếp tục nhận được đơn của người thân Diễm My về việc cô gái này mất tích trong thời gian dài. Gia đình Diễm My cũng đã tố cáo nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai có hành vi lạm dụng, xâm hại cô gái.

Đến tháng 6, khi kết thúc giai đoạn điều tra chuyến vụ án sang truy tố, cơ quan tố tụng xác định bị can Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ sở hữu và ngụ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có vai trò đặc biệt tại "Tịnh thất Bồng Lai". Nhiệm vụ của bị can Cúc là quản lý tất cả tài chính, thu chi cho bị can Lê Tùng Vân cùng các đồng phạm.

Năm 2019, khi Công an huyện Đức Hòa mời Diễm My về làm việc tại trụ sở, bị can Cúc cùng Lê Tùng Vân và nhóm người ở "Tịnh thất Bồng Lai" kéo đến chửi bới. Không chỉ xúc phạm công an, bà này còn cho rằng "Tịnh thất Bồng Lai" có "quyền chủ quyền" đối với Diễm My.

Cha mẹ Diễm My tham dự phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai (Ảnh: CTV).

Trong thời gian dài, nhiều tin đồn, giả thiết của dư luận cho rằng Diễm My đang bị nhốt trong "mật thất" ở Tịnh thất Bồng Lai.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Long An khẳng định, những tin đồn trên mạng xã hội đều chưa chính xác. Nhà chức trách nhiều lần khám xét Tịnh thất Bồng Lai song không thấy có dấu hiệu "mật thất" ở nơi này.

Công an tỉnh Long An còn thông tin, từ khi nhận được đơn của gia đình Diễm My về việc cô gái mất tích, họ đã phối hợp với lực lượng chức năng nhiều tỉnh thành để tìm kiếm nhưng chưa có thông tin. Những tin đồn cho rằng đã tìm thấy Diễm My ở Tịnh thất Bồng Lai hay ở Bà Rịa - Vũng Tàu... đều là thông tin chưa đúng.

Suốt 2 năm ròng rã tìm kiếm, mẹ Diễm My chưa bao giờ ngừng hy vọng ngày có thể nhìn thấy con gái trở về. Bà cho hay gia đình đã chi nhiều tiền bạc, công sức tìm con gái. "Người ta nói con ở Bến Tre, Châu Đốc, Vũng Tàu, Bình Dương... chỗ nào tôi cũng đi, dù hy vọng nhỏ nhất. Tôi thuê người tìm, nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ nhưng vẫn không có thông tin gì" mẹ cô gái từng chia sẻ.

300 ngày điều tra - truy tố - xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai

Đầu năm 2022, sau khi tiếp nhận dồn dập các đơn tố cáo về nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân cầm đầu, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, 6 bị can vì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Việc truy tố các bị can diễn ra vào tháng 6 và phiên tòa sơ thẩm xét xử hồi tháng 7.

Bản án sơ thẩm xác định nhóm người sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai được ông Lê Tùng Vân chỉ đạo đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube, chứa đựng những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc. Việc này nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo… Chứng cứ trong vụ án là 5 clip đã đăng tải công khai trên 2 kênh YouTube do nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai lập ra, quản lý và sử dụng...

Ở bản án này ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, bị tuyên 5 năm tù; còn lại 5 bị cáo nhận mức án 3-4 năm tù. Cụ thể, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên mức án 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Cao Thị Cúc mức án 3 năm tù.

Sau đó, 6 bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, trải qua hai ngày xét xử phúc thẩm 2, 3/11/2022, nhóm bị cáo không chứng minh được họ bị oan. Cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm với cả 6 bị can.

Ở diễn biến khác liên quan tới nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai, Công an tỉnh Long An đã quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Tác giả: Phi Vũ

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến