Dòng sự kiện:
Gần 5 triệu người sẵn sàng, triệu tỷ đồng ăn thua trên sàn nóng
10/04/2022 15:43:40
Thị trường chứng khoán vừa xác lập kỷ lục mới với 271 nghìn tài khoản mở mới trong tháng 3, qua đó nâng tổng số tài khoản đạt mốc 5% dân số. Dòng tiền vào thị trường dồi dào và dự báo giá cổ phiếu sẽ

Kỷ lục mới, 5% dân “chơi” chứng khoán

Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố thông tin cho biết, trong tháng 3/2022, các nhà đầu tư mở mới 271.619 tài khoản. Đây là số lượng tài khoản mở mới tính theo tháng cao kỷ lục.

Lũy kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán đạt gần 5 triệu tài khoản, tương đương với 5% dân số Việt Nam. Mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đã được hoàn thành sớm hơn 3 năm.

Với tốc độ tăng nhanh như thời gian qua, mục tiêu 10% vào năm 2030 là khả thi.

Sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng tài khoản mở mới tiếp tục giúp thanh khoản lên cao. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn trong tháng 3 tăng trên 60% so với cùng kỳ lên trên 31 nghìn tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt trên 26 nghìn tỷ đồng.


Chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu hướng đi lên.

Nhóm các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường chứng khoán, với giao dịch đạt trên 88%. Ảnh hưởng giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tiếp tục xu hướng giảm.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động, lãi suất huy động của ngân hàng vẫn ở mức thấp, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch.

Nhiều đánh giá cho thấy, định giá cổ phiếu Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực. Và thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng lên hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới.

Thị trường cổ phiếu hấp dẫn còn do người dân có ít lựa chọn đầu tư hơn, khi đồng USD ổn định, vàng ở mức cao không hấp dẫn, bất động sản đã tăng rất nhanh và gần đây bị quản lý chặt chẽ hơn, dòng tiền vào BĐS bị siết lại.

Thanh khoản suy giảm đầu tháng 4

Trong vài phiên gần đây, thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến áp lực bán mạnh, giá cổ phiếu tụt giảm và thanh khoản yếu đi rất nhiều.

Trong phiên giao dịch 8/4, áp lực bán diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu từ ngân hàng, chứng khoán cho đến thép và các nhóm cổ phiếu nóng. Nhiều cổ phiếu giảm sâu. Chỉ số VN-Index giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp, với mức mất giá hơn 20 điểm và rời khá xa ngưỡng 1.500 điểm.

Áp lực bán tăng mạnh, trong khi sức cầu yếu ớt khi mà sự thận trọng lên cao sau khi thị trường đón nhận nhiều có những tin đồn lan tràn trên mạng liên quan tới lãnh đạo của một số doanh nghiệp. Trước đó, giới đầu tư chứng khoán chứng kiến cựu chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì “thao túng thị trường chứng khoán” và ông Đỗ Anh Dũng Tân Hoàng Minh bị bắt vì hành vi “lừa đảo”.


Kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ.

Nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục lao dốc, với FLC và ROS giảm sàn. Nhóm trong hệ sinh thái Gelex như GEX, MHC, VGC cũng đồng loạt giảm hết biên độ cho phép. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sụt giảm theo sư suy giảm của giá dầu.

Bộ Công an vừa đề nghị 8 ngân hàng VCB, TCB, STB, VPBank, BIDV, VIB, SHB, NCB cung cấp hồ sơ về việc hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch... liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn FLC để phục vụ công tác điều tra trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán".

Triển vọng tươi sáng

Mặc dù giảm khá mạnh trong vài phiên gần đây, nhiều đánh giá cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tích cực về dài hạn và có thể lập đỉnh mới trong năm nay.

Theo BSC, VN-Index có thể hướng tới đỉnh cao mới 1.600 điểm ở kịch bản tích cực sau khi chỉ số này vượt lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530. Kịch bản thứ 2, VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.

Theo kịch bản thứ nhất, VN-Index sẽ lên 1.600 điểm khi nền kinh tế hồi phục khả quan, hoạt động mở cửa du lịch, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được mở rộng,… căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá cả các hàng hóa có tín hiệu tích cực. Các cổ phiếu chủ chốt đóng vai trò dẫn dắt. Dù vậy, thị trường dự báo phân hóa mạnh dựa trên kết quả kinh doanh quý I, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như diễn biến quốc tế.

Ở kịch bản thứ 2, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Điều này gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, tác động đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt nam. Mặt khác, động thái các NHTW lớn trên thế giới tại các cuộc họp tiếp theo sẽ tác động đến tâm lý chung toàn thị trường. VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.

Theo BSC, chỉ số giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) của VN-Index cuối quý I ở mức 17,33 lần, tăng nhẹ 0,4% so với quý trước, và cao hơn mức 16,44 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện vẫn ở mức trung bình và ở vị trí thứ 11 châu Á. Một số nhóm ngành được dự báo hưởng lợi từ chương trình đầu tư công, và gói phục hồi kinh tế gồm ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công, ngành bất động sản.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng cho rằng, mức P/E của VN-Index thấp nhất trong khu vực cho thấy định giá vẫn còn rất hấp dẫn và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Theo YSVN, VN-Index sẽ hướng về mức 1.550-1.570 điểm trong tháng 4 trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận sự phục hồi sản xuất sau giai đoạn hậu Covid-19, cùng với các gói kích thích kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói riêng. Rủi ro địa chính trị giảm dần, cùng với đó tác động từ việc tăng lãi suất của Fed sẽ không ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán cũng bước vào mùa ĐHĐCĐ với nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021.

Tác giả: M. Hà

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến