Dòng sự kiện:
Gần 700 nhân sự vận hành 13km tàu Cát Linh - Hà Đông
22/09/2018 11:00:52
Hơn 600 nhân viên làm việc tại 8 trung tâm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó 201 người đào tạo tại Trung Quốc.

Theo Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội, tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 681 người, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga.

Trong đó, có 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...

Ngoài ra, hơn 600 nhân viên làm việc trực tiếp tại 8 trung tâm gồm điều độ, tàu khách, vận tải hành khách; kiểm tra sửa chữa công trình, thiết bị nhà ga, điện lực, thông tin tín hiệu, đường ray, toa xe.

Giai đoạn chạy thử, lái tàu là người Trung Quốc sau đó sẽ được thay thế toàn bộ lái tàu Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Bộ phận đông nhất là trung tâm lái tàu với 86 người, trong đó có 46 lái tàu chính trên tuyến và 13 lái tàu dồn, thử tàu tại khu Deport; nhiều người khác là nhân viên kỹ thuật, giám sát tín hiệu, trực ban...

Trung tâm kiểm tra sửa chữa thông tin tín hiệu có 62 người, đa số là công nhân bảo dưỡng và các kỹ sư.

Bộ phận kiểm tra, sửa chữa thiết bị nhà ga có 60 người. Trung tâm kiểm tra, sửa chữa tàu gồm 53 người phụ trách thiết bị điện, máy móc trên tàu.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội, số lượng nhân sự và từng chức danh làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Tổng thầu Trung Quốc lên danh sách theo thiết kế dự án, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Để giảm nhân sự tại dự án, lực lượng nhân viên bảo vệ, dọn vệ sinh sẽ được thuê ngoài khi vận hành dự án.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử hôm 20/9. Ảnh: Giang Huy

Cũng theo ông Trường, tuyến đường sắt khi vào phục vụ hành khách sẽ hoạt động 18 giờ mỗi ngày, tương đương khoảng 2,5 ca, như vậy nhiều bộ phận phải đổi ca nên lượng nhân sự tăng.

"Quá trình thử nghiệm hiện nay cũng nhằm đánh giá sự phù hợp về số lượng, mô hình tổ chức khai thác vận hành sau này", ông Trường nói.

Để chuẩn bị lực lượng vận hành tàu, Công ty đường sắt Hà Nội đã tuyển dụng hơn 600 lao động Việt Nam, 201 người đã được đào tạo tại Trung Quốc. Số lao động này đều đã hoàn thành đào tạo lý thuyết và chờ thực hành trên tuyến.

Các lái tàu cũng đã được nhận chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong tổng số 681 nhân sự có 651 người được đào tạo bằng nguồn kinh phí của dự án.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử toàn tuyến từ 20/9. Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 6 tháng, lực lượng lao động của Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm chính. Sau đó, các lao động Việt Nam sẽ được đưa vào tác nghiệp, chuẩn bị cho công tác vận hành chính thức trước Tết âm lịch 2019.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đi trên cao dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiển trong tình huống khẩn cấp.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến