Gắn camera, gương hai chiều trong nhà nghỉ có vi phạm luật?
11/04/2015 10:12:42
Theo quy định của pháp luật, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền bí mật đời tư của một người cũng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Tin liên quan


Gần đây, nhiều người tham gia mạng xã hội cũng nhận được những bài "cảnh báo" về tình trạng nhà nghỉ, khách sạn có gắn gương hai chiều (camera giấu dưới gương) và chia sẻ cách phát hiện gương hai chiều này.

Cách nhận biết gương 2 chiều được chia sẻ trên mạng xã hội

Đứng về góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Hiếu, Đoàn luật sư TP.HCM, khẳng định việc chủ nhà nghỉ, khách sạn lén đặt máy quay phim (camera giấu kín hay đặt sau gương hai chiều) đều là hành vi vi phạm pháp luật. "Đó là sự xâm phạm bí mật đời tư của người khác - được pháp luật bảo vệ theo điều 38 Bộ luật dân sự", luật sư Hiếu cho biết.

Theo luật sư, mặc dù phòng nghỉ thuộc sở hữu của chủ nhà trọ, khách sạn nhưng khi chủ khách sạn kinh doanh dịch vụ, đã hợp đồng cho khách thuê phòng trong một khoảng thời gian nào đó thì trong khoảng thời gian đó, khách được toàn quyền sử dụng phòng mà chủ khách sạn không thể tự tiện mở cửa phòng của khách trừ những tình huống khẩn cấp.

Tương tự, hành vi của người nào đó lén lút đặt máy quay tại phòng nghỉ hay nhà vệ sinh, khu vực thay quần áo... để ghi hình ảnh riêng tư của người khác tại những khu vực này đều là hành động vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm.

Nếu phát hiện hành vi lén lút quay phim trên, khách có thể báo với cơ quan công an đề nghị xử lý, ngăn chặn việc phát tán những hình ảnh riêng tư của mình và đòi chủ nhà nghỉ phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho mình.

Còn theo luật sư Đinh Văn Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM, tùy vào mục đích của việc quay lén đó mà người quay lén có thể bị xử lý hình sự về các tội cụ thể. Chẳng hạn, nếu chủ khách sạn cho quay lén sau đó phát tán nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của khách thì sẽ bị xử về tội làm nhục người khác hoặc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (tùy nội dung, hình ảnh trong clip)...
Hoặc nếu việc quay lén đó nhằm mục đích tống tiền của khách thì người quay lén có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.

Điều 31 Bộ luật dân sự: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Điều 38 Bộ luật dân sự: Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến