Thị trường hạ nhiệt, giá liệu có giảm?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, song chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II năm nay.
Còn đối với phân khúc giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II năm nay, Bộ Xây dựng cũng cho biết "đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại".
Một số chuyên gia cho rằng, dù có khó khăn song việc giảm giá là khó xảy ra bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng (Ảnh: Trần Kháng).
Vậy thị trường bất động sản trong các quý cuối năm nay sẽ ra sao, liệu giá có giảm đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo nhận định của SSI Research, thị trường bất động sản hạ nhiệt và chủ đầu tư có thể đối mặt với rủi ro khi tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.
Một số chuyên gia khác cho rằng, dù có khó khăn song việc giảm giá là khó xảy ra bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Việc giảm giá khó xảy ra khi mất cân đối cung - cầu, trong đó cầu cao - cung thấp.
Tuy nhiên, tại hội thảo mới diễn ra, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia đưa ra nhận thị trường bất động sản thời gian tới giá có thể giảm đi 30% nhưng "không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi".
"Năm 2008, giá bất động sản giảm tới 60 - 70%. Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá bất động sản có thể giảm 30%, sau đó có thể phục hồi trở lại", ông Nghĩa dự báo.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt yếu tố như lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại; thanh khoản giảm rõ rệt; chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân…
"Chính những điều đó đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, đối với nhà ở, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao", ông Đính nói.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
"Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra", ông Đính nhấn mạnh.
Phân tích thêm về lý do giá bất động sản tăng, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nguồn hàng hiện nay đang rất thiếu, dự án đang đình trệ, thậm chí có cả những dự án chưa đưa vào thị trường. Theo ông, hiện có nhiều dự án găm đất đai, chưa muốn đưa hàng vào thị trường.
Theo ông Đính, nhiều địa phương sốt đất, khi thị trường hàng hóa khan hiếm, họ tìm cách lách để có nguồn hàng "lậu", hàng giả… Đó là san lấp đất rừng, gom đất chia lô tách thửa dù địa phương không có nhu cầu. Họ chỉ có mục đích mua, không có nhu cầu sử dụng. Việc đầu cơ đó làm cho thị trường trở nên méo mó.
Trong khi nguồn cung trên thị trường không nhiều nhưng nhu cầu thật về nhà ở, đầu tư lớn nên gây ra hiệu ứng tăng giá, "sốt đất".
Nhận định về khả năng giảm giá, ông Đính cho rằng, có thể sẽ xuất hiện ở nhóm được "thổi giá" trong giai đoạn gần đây, còn những bất động sản khác có nhu cầu thực rất khó giảm giá.
Giá bất động sản không giảm nhưng có còn tăng mạnh?
Trong một khảo sát của trang batdongsan.com.vn về giá bất động sản trong tương lai, đa số vẫn cho rằng giá nhà sẽ tăng. Thậm chí, có khoảng 35% khi tham gia khảo sát còn cho rằng giá bất động sản sẽ tăng mạnh, 50% cho rằng sẽ tăng nhưng nhẹ và chỉ 1% cho rằng sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là giá bất động sản quá cao đang là rào cản lớn nhất đối với người mua. Trong một cuộc khảo sát khác, có 78% người tham gia cho rằng giá bất động sản quá cao là rào cản lớn nhất, tiếp đến mới là các vấn đề về lãi suất vay mua nhà, lo ngại suy thoái kinh tế, không đủ vay ngân hàng.
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định khi bất động sản đã ở nền giá cao sau một thời gian liên tục tăng giá, thì việc người tiêu dùng dự đoán giá bất động sản sẽ không tăng mạnh nữa là điều dễ hiểu.
"Tuy nhiên 50% đáp viên vẫn tin bất động sản sẽ tăng giá nhẹ, gần như không có ai cho rằng bất động sản sẽ giữ nguyên hoặc giảm giá trong 1-5 năm tới", ông Long nói.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm nay đều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.
Tuy vậy, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít,
Về tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, theo Bộ Xây dựng, dù có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái song đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
Bộ Xây dựng kiến nghị, cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; từ đó đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Tác giả: Nguyễn Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy