Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin hôm 19/11 (theo giờ Việt Nam) có thời điểm lao dốc xuống mức 55.700 USD/đồng, sau đó bật tăng nhẹ. Tính đến 17h, Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 57.000 USD/đồng, giảm 4,42% so với một ngày trước đó.
Như vậy, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm tới 17,01%. Đà giảm khiến giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin lao dốc còn 1.077 USD/đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin giảm 2,25% so với một ngày trước đó xuống còn 2.530 tỷ USD. Ngoài Bitcoin, nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất cũng chìm trong sắc đỏ.
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - chứng kiến mức giảm 1,12% sau một ngày xuống còn 4.142 USD/đồng. So với mức đỉnh 4.859 USD/đồng thiết lập hôm 10/11, giá Ether đã lao dốc 14,73%.
Trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - có thời điểm rơi xuống mức 55.700 USD/đồng, sau đó bật tăng nhẹ. Ảnh: CoinMarketCap.
Áp lực quy định
"Giá Bitcoin vẫn tiếp tục sụt giảm. Việc mất mốc 58.000 USD/đồng - mức thấp nhất vào cuối tháng 10 - đã khiến Bitcoin giảm giá hơn nữa", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
Theo ông, sự chú ý có thể một lần nữa chuyển xuống ngưỡng 50.000 USD/đồng.
"Như vậy, giá Bitcoin đã trải qua một đợt điều chỉnh lớn từ mức đỉnh, nhưng vẫn còn khá nhỏ so với đà tăng của Bitcoin trong những tháng gần đây", vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông Hayden Hughes - Giám đốc điều hành tại Alpha Impact, giá Bitcoin lao dốc sau khi Mỹ thông qua dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong đó có nội dung đánh thuế và siết chặt quản lý thị trường tiền mã hóa.
Giới đầu tư bán tháo vì lo ngại về quy định và chính sách thuế. Theo dự luật mới, những nhà môi giới tiền mã hóa sẽ phải cung cấp cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) thông tin về khách hàng của họ, bao gồm thu nhập từ hoạt động đầu tư tiền mã hóa.
"Nỗ lực điều tiết và kiểm soát Bitcoin có thể khiến đồng tiền này mất đi một phần sức hút", nhà phân tích Fiona Cincotta tại City Index bình luận.
Ở chiều ngược lại, anh Johnson - một nhà giao dịch tiền mã hóa - cho rằng các quy tắc mới sẽ giúp hợp pháp hóa hệ sinh thái tiền mã hóa và thúc đẩy tăng trưởng quốc tế.
"Về cơ bản, tiền mã hóa là một phương tiện trao đổi không được chính phủ kiểm soát. Nhưng không gian tiền mã hóa vẫn cần quy định để chúng được áp dụng rộng rãi hơn", anh nhận định.
Ngoài ra, áp lực quy định từ phía Trung Quốc cũng triệt tiêu đà tăng giá của Bitcoin. "Giá Bitcoin giảm mạnh vì mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Cùng với đó là rủi ro đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải sớm nâng lãi suất", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.
Hôm 16/11, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) - cơ quan lập kế hoạch của đất nước - cho biết sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ hoạt động khai thác tiền mã hóa tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Tương lai bấp bênh
Hồi đầu năm, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác Bitcoin, khiến các thợ đào phải chuyển sang những nơi khác. Bắc Kinh lo ngại rằng hoạt động khai thác sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ngoài ra, theo ông Moya tại Oanda, trong những tuần cuối năm, giá Bitcoin cũng có thể bị đè nặng bởi áp lực chốt lời từ phía các nhà đầu tư tổ chức.
"Cho đến tháng 1/2022, cuộc tranh luận về lạm phát và nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ không có câu trả lời rõ ràng. Do đó, biến động giá có thể rất mạnh trong phần còn lại của năm", ông Moya cảnh báo.
Theo vị chuyên gia, ngay cả khi một ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) dựa trên Bitcoin khác vừa ra đời, điều đó vẫn không đủ để thu hút các nhà đầu tư mới.
So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm tới 17,01%. Vốn hóa của đồng tiền bị thu hẹp còn 1.077 tỷ USD. Ảnh: CoinMarketCap.
"Giá Bitcoin điều chỉnh khi các nhà đầu tư chuyển sang trạng thái 'chờ đợi và quan sát'. Bitcoin có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư như một 'hàng rào' chống lại rủi ro lạm phát. Nhưng nếu áp lực giá buộc FED phải sớm tăng lãi suất, điều đó sẽ giáng đòn mạnh lên tiền mã hóa", ông Moya cảnh báo.
Theo ông, Bitcoin và Ether có thể là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trong năm nay. Nhưng vị chuyên gia cũng không loại trừ khả năng giá tiền mã hóa giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại về các động thái mới của FED.
"Triển vọng dài hạn của Bitcoin vẫn rất tốt. Nhưng về ngắn hạn, tương lai của tiền mã hóa còn khá bấp bênh", ông Moya cảnh báo.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy