Dòng sự kiện:
Giá Bitcoin tăng 50% bất chấp các biến động
16/03/2023 12:39:58
Giữa bối cảnh nhiều ngân hàng liên quan đến tiền mã hóa bị phá sản, giá Bitcoin vẫn tăng tới 50% trong năm nay, mức tăng lớn hơn cả vàng và một số chỉ số chứng khoán.

Giá Bitcoin bật tăng sau khi giảm tới 65% trong năm 2022. Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, giá Bitcoin đã tăng 50% trong năm nay, bất chấp sự sụp đổ của loạt ngân hàng liên quan đến tiền mã hóa. Đà tăng của Bitcoin còn cao hơn nhiều chỉ số chứng khoán và hàng hóa lớn.

Vào ngày 1/1, Bitcoin được giao dịch ở mức 16.500 USD. Tuy nhiên, đến ngày 15/3, con số này đã dao động quanh mốc 25.000 USD sau một đợt tăng giá mạnh vào ngày 12/3.

Sự tăng giá đột biến trong năm nay diễn ra sau khi Bitcoin giảm tới 65% vào năm 2022. Đà lao dốc này xuất phát từ sự sụp đổ của nhiều công ty lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, đặc biệt là FTX.

Tiền mã hóa chiếm ưu thế

Việc Bitcoin tăng giá gần đây là một tín hiệu bất ngờ trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Hai ngân hàng lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa là Silvergate Capital và Signature Bank đều đã phá sản. SVB - đơn vị được coi là “xương sống” của các công ty khởi nghiệp công nghệ, cũng đã thất bại.

Theo ông Vijay Ayyar, Phó chủ tịch tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno, sự sụp đổ của Silvergate Bank, Signature Bank và SVB đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp thị trường tài chính. Đà tăng của Bitcoin có thể được thúc đẩy bởi chính những thất bại đó.

“Những sự kiện trong tuần qua xoay quanh sự thất bại của SVB và các ngân hàng khác đã làm nổi bật thế mạnh của tiền mã hóa. Hệ thống tài chính phi tập trung đang bắt đầu trở thành một khái niệm quen thuộc đối với nhiều người hơn”, ông Vijay Ayyar chia sẻ.


Việc các ngân hàng liên quan đến tiền mã hóa phá sản không làm ảnh hưởng đến đà tăng giá của Bitcoin. Ảnh: Bloomberg.

Bitcoin được coi là tài sản phi tập trung vì nó không được phát hành bởi một thực thể duy nhất như ngân hàng trung ương. Thay vào đó, Bitcoin được hình thành từ công nghệ blockchain và hệ thống mạng lưới của đồng tiền mã hóa này được duy trì bởi cộng đồng.

Các cơ quan quản lý của Mỹ đã phải can thiệp để đảm bảo số tiền gửi của khách hàng tại những ngân hàng bị phá sản.

Ông Antoni Trenchev, đồng sáng lập nền tảng giao dịch tiền mã hóa Nexo, cho biết sự can thiệp này “đã nhắc nhở các nhà đầu tư về những thiếu sót trong hệ thống ngân hàng Mỹ và đồng USD”. Ông cho rằng đó là lý do nhiều nhà đầu tư đổ xô mua Bitcoin trong tuần này.

Nhiều người đã tuyên bố việc đầu tư tiền mã hóa là một cách để họ bảo vệ bản thân trước các động thái của ngân hàng trung ương. Đặc biệt là khi các cơ quan này thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ và khiến tiền pháp định bị giảm giá trị.

Triển vọng đến từ lãi suất

Một số ngân hàng đã sụp đổ sau khi ​​Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Với trường hợp của SVB, họ đã phải bán bớt tài sản, chủ yếu là trái phiếu kho bạc, để củng cố bảng cân đối kế toán khi khách hàng ồ ạt rút tiền.

Tuy nhiên, ngân hàng đã bán những tài sản đó với mức lỗ nặng nề vì việc lãi suất tăng đã đẩy giá trái phiếu kho bạc xuống thấp hơn.

Một số nhà phân tích cho rằng những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất của Fed. Điều này là một tín hiệu tích cực đối với các loại tài sản rủi ro, ví dụ như cổ phiếu và Bitcoin.

“Fed thậm chí có thể không tăng lãi suất vào tháng 3. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Bitcoin”, ông Trenchev bình luận.

Giá Bitcoin đã tăng 50% trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq và S&P 500 chỉ tăng lần lượt 12% và 2,5% trong cùng thời điểm.

Vàng, tài sản được các nhà đầu tư đề cao trong thời kỳ thị trường rối ren, chỉ tăng hơn 3% trong năm nay.

Không có nhiều hàng hóa hoặc mã cổ phiếu có đà tăng cao hơn Bitcoin. Một cái tên hiếm hoi làm được điều đó là Meta khi cổ phiếu của công ty này đã tăng khoảng 60% trong năm nay.

Trong số các loại tiền mã hóa lớn, đồng Ether đã tăng 42% trong năm nay, trong khi đồng Solana tăng hơn 100%.

Tác giả: Thanh Vũ 

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến