Dòng sự kiện:
Giá cả leo thang, tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, NLĐ có đủ sống?
25/12/2023 05:36:19
Mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% được cho là cơ bản đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiêu dùng đều tăng cao, người lao động tiếp tục gặp khó khăn.

Tuần qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp lần 2, thống nhất lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng thêm 6%.

Nói về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, những khó khăn và tình hình của năm 2024 vẫn rất khó đoán định. Mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động rất chia sẻ với doanh nghiệp. Mức tăng này cũng cơ bản đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiêu dùng đều tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán, người lao động tiếp tục gặp khó khăn.

Nếu được Chính phủ thông qua, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2024 (Ảnh minh họa)

"Trong điều kiện doanh nghiệp còn thiếu đơn hàng, phía người lao động cũng sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp để có thể đạt được những kế quả khả quan hơn trong năm tới", ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết, tổ chức công đoàn cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nâng cao năng suất lao động, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cũng nhận định, thời gian qua, đời sống của người lao động còn rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giá cả tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn có những điểm sáng, GDP vẫn đạt mức trên 5%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiềm chế được lạm phát dưới 4%; tạo đột phá chiến lược về thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực...

Với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 6% là phù hợp, thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam nhìn nhận, với mức tăng 6% này đã được các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia trao đổi hết sức thấu đáo về nhiều vấn đề, đồng thời có xem xét tới ngắn hạn, trung hạn và khoảng 2 năm sau.

Theo ông Thuấn, mức tăng 6% là phù hợp với tình hình chung về cả thuận lợi cũng như khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Riêng đối với ngành da giày, mức tăng lương tối thiểu 6% là chấp nhận được.

Nếu được Chính phủ thông qua, mức lương tối thiểu vùng mới này sẽ được áp dụng từ 1/7/2024.

Lương tăng, năng suất lao động không tăng có thể gây lạm phát

Trong bản tổng thuật về "Lương tối thiểu thay đổi ra sao trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao" do Tổ chức Lao động quốc tế gửi đến Bộ LĐ-TB-XH để phục vụ cho phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra mới đây cũng khuyến nghị các thiết chế lương tối thiểu cần tiếp tục tích cực bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp, và tránh cho họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó bằng cách đảm bảo tiền lương của họ duy trì được sức mua, kể cả trong tình trạng lạm phát.

ILO nhấn mạnh rằng, lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tiền lương đủ sống cho người lao động có thu nhập thấp, góp phần giảm bất bình đẳng và nghèo đói. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, vốn tác động nặng nề nhất đến những người lao động được trả lương thấp, mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ và chống lại tác động chi phí sinh hoạt gia tăng.

Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu đủ sống và thường xuyên sẽ cải thiện đáng kể mức sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Điều quan trọng là phải điều chỉnh mức lương tối thiểu danh nghĩa để theo kịp lạm phát và đảm bảo cho những người lao động được trả lương thấp và gia đình họ một mức sống thỏa đáng.

Cũng theo ILO, các yếu tố kinh tế cũng cần được tính đến khi xác lập mức lương tối thiểu, bao gồm khả năng chỉ trả của nhiều doanh nghiệp, cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô hơn cần cần nhắc. Giá cả tăng cao tác động trực tiếp đến người lao động và gia đình họ, và có thể tác động đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức.

ILO cho rằng, việc phân tích mức độ ảnh hưởng của việc xác lập và điều chỉnh lương tối thiểu đến khả năng chi trả và năng suất của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Tiền lương tăng mà không tăng năng suất có thể tiếp tục gây ra lạm phát và từ đó lại ảnh hưởng đến việc làm.

Tác giả: Nguyễn Trang

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến