Dòng sự kiện:
Giá cao vút, Việt Nam tiêu cả tỷ USD nhập phân bón
19/10/2021 15:06:38
Giá các loại phân bón trên thế giới tăng cao, dẫn đến nguồn ngoại tệ Việt Nam chi ra để nhập khẩu nhóm hàng này 9 tháng của năm 2021 đã trên 1 tỷ USD.

Nhập khẩu phân bón từ đầu năm đến nay vẫn tăng chóng mặt.

Nhập khẩu phân bón tăng chóng mặt

Mặc dù khẳng định sản xuất phân bón trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng nhập khẩu phân bón từ đầu năm đến nay vẫn tăng chóng mặt.

Số liệu mới nhất của Bộ Công thương ghi nhận, 9 tháng của năm 2021, Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 3,5 triệu tấn phân bón, tăng 42,9% so với cùng kỳ 2020 (tương ứng khoảng 300 triệu USD), trong đó tăng mạnh nhất là urê với trị giá nhập khẩu tăng 465% so với cùng kỳ năm trước.

Là đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, giá phân bón tăng phi mã đã làm tăng chi phí sản xuất, làm nhiễu loạn thị trường phân bón và gây khó khăn cho các hộ nông dân.

Trong quý II và III/2021, giá urê thế giới tại các thị trường chủ chốt có mức tăng trung bình hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Ngoài urê, các mặt hàng phân bón khác và nguyên liệu để sản xuất phân bón trên phạm vi toàn cầu cũng tăng phi mã.

Tại Hội nghị bàn giải pháp bình ổn thị trường phân bón do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ.

Nhưng trước đà tăng của giá thế giới, phân bón tại thị trường trong nước đã thiết lập mặt bằng giá mới từ nhiều tháng nay. Do nhu cầu phân bón trên thế giới gia tăng, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng cơ hội xuất khẩu khoảng 900.000 tấn sản phẩm trong 9 tháng qua, mang về 330 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và 30,5% về trị giá so với cùng kỳ.

Lo giá tiếp tục “nhảy múa”

Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia đang tiếp tục gây khó khăn cho thị trường phân bón thế giới. Từ nửa cuối tháng 9 đến nay, nhiều nhà máy sản xuất amoniac tại châu Âu buộc phải tạm dừng hoạt động do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt.

Đà nhảy múa của giá phân bón còn đến từ việc thiếu nghiêm trọng nguyên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi logistics, nguồn cung khan hiếm. Điều này không chỉ xảy ra với phân urê, mà còn là tình trạng chung của các loại phân bón khác như kali, DAP, NPK.

Nghịch lý là giá phân bón thì tăng, nhưng giá nhiều loại nông sản như lúa gạo, sầu riêng, thanh long... giảm thấp, lại khó tiêu thụ do nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá phân bón tăng phi mã đang gây áp lực lớn cho vụ đông xuân 2021-2022. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, với việc giá tăng liên tục, hiện tại chi phí cho phân bón có thể đã lên tới 40-50%.

Bản tin phân tích thị trường quốc tế của Argus và Fertecon đều cho biết, nguồn cung urê trên thế giới ngày càng khan hiếm, giá sẽ tiếp tục tăng tại tất cả thị trường. Tại Mỹ, giá urê đã tăng vượt mức 650 USD/tấn theo giá FOB, thiết lập một mức giá kỷ lục mới trong vòng 10 năm trở lại đây. Tại Ai Cập, sau khi tăng 75 USD/tấn tuần trước, tuần này giá urê tiếp tục tăng thêm 80 USD/tấn và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn giá FOB cho hàng giao tháng 12/2021. Giá urê tăng mạnh trong trạng thái nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Cùng với đó, nguồn cung còn bị đe dọa khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 27/9.

Cả Argus và Fertecon đều dự báo, thị trường Đông Nam Á sẽ bị thiếu urê. Hiện chỉ có 3 quốc gia chủ động được nguồn cung urê cho nội địa là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, trong khi các quốc gia còn lại phải nhập khẩu urê, trong đó 2 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất là Thái Lan (nhập 2,5 triệu tấn/năm) và Philippines (nhập 1 triệu tấn/năm).

Tuy chủ động được nguồn cung urê, nhưng do chi phí đầu vào tăng mạnh trên toàn cầu, giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục biến động trong những tháng cuối năm.

Tác giả: Thế Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến