Dòng sự kiện:
Giá cổ phiếu PVC giảm sâu, DMC ăn dần vốn chủ sở hữu
03/12/2018 08:01:06
Việc cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - DMC (mã PVC, sàn HNX) giảm sâu đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp này.

Cổ phiếu mất 1/4 giá trị

Cổ phiếu PVC đã phải đối mặt với áp lực bán ra trước thời điểm chính thức bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố đưa ra khỏi rổ chỉ số HNX30. Tại thời điểm đầu tháng 10, thị giá của cổ phiếu PVC ở mức trên 8.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó bị nhà đầu tư xả hàng liên tục, đến nay chỉ còn quanh mức 6.000 đồng/cổ phiếu.


Cổ phiếu PVC chính thức niêm yết tại HNX với vốn điều lệ ban đầu là 120 tỷ đồng. Hiện nay, vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 884 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 54,4% cổ phần.

Trong quý III/2018, DMC đạt tổng doanh thu 554 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 38,7% so với 9 tháng năm 2017. Trong quý III/2018, lợi nhuận trước thuế bị âm hơn 1,2 tỷ đồng (cùng kỳ dương 12,2 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế âm 10,5 tỷ đồng (cùng kỳ dương 21,9 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng âm hơn 8 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 3 tỷ đồng).

Thực tế, tình hình kinh doanh khó khăn của DMC trong năm nay cũng đã phần nào được công ty này lường trước. Theo đó, trong phần trình bày về kế hoạch kinh doanh năm 2018 được ông Tôn Anh Thi, Tổng giám đốc DMC báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, thì năm nay vẫn là năm khó khăn với DMC do giá dầu chưa ổn định. Một số thời điểm giá dầu tăng tạm thời cũng chưa thể đem lại sự phục hồi ngay về việc làm, giá cả và lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Tại thời điểm đó, ông Thi dự báo, kế hoạch khoan của các nhà thầu dầu khí trong năm 2018 vẫn ở mức thấp (khoảng 26 giếng), nên sẽ tiếp tục tác động lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của DMC.

DMC là công ty chuyên khai thác, sản xuất, kinh doanh các nguyên vật liệu, hoá chất, hoá phẩm dùng cho dung dịch khoan và xi măng trong công nghiệp dầu khí. Công ty cũng kinh doanh xuất nhập khẩu hóa chất, thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho khoan, khai thác và chế biến dầu khí (ngành công nghiệp dầu khí) và các ngành công nghiệp khác.

“Ăn” dần vào vốn chủ sở hữu

Với dự báo về những khó khăn như trên, DMC đã đưa ra kế hoạch năm 2018 rất khiêm tốn, với các chỉ số đều thấp hơn kết quả đã đạt được trong năm 2017. Cụ thể, tổng doanh thu mục tiêu năm 2018 là 3.074 tỷ đồng (năm 2017 đạt 3.335 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế là 16 tỷ đồng (năm 2017 đạt 21,3 tỷ đồng).

Dù lường trước khó khăn và đã đặt ra kế hoạch khá thấp, nhưng với kết quả kinh doanh như đã thực hiện trong 9 tháng đầu năm, kế hoạch kinh doanh cả năm 2018 của DMC xem ra vẫn quá xa vời. Theo đó, sau 9 tháng đầu năm, DMC mới đi được hơn 1/2 chặng đường về doanh thu. Còn về lợi nhuận trước thuế, để đạt được kế hoạch thì trong quý IV/2018, DMC phải làm ra con số lợi nhuận trước thuế lên tới 26,5 tỷ đồng. Đây là con số không tưởng, bởi 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của DMC âm 10,5 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh bị lỗ, nhưng DMC vẫn phải thực hiện các kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt và điều này làm giảm trực tiếp vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa với sụt giảm năng lực tài chính.

Thực tế, theo Bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của Công ty đã giảm từ 946 tỷ đồng hồi đầu năm, còn 884 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2018. Đầu tháng 10/2018, DMC cũng đã thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 2,8%, tức mỗi cổ phiếu được nhận 280 đồng cổ tức. Theo đó, tổng số tiền DMC phải trả để thực hiện đợt chi trả cổ tức lần này là 14 tỷ đồng.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến