Dòng sự kiện:
Giá đất Cam Lâm vẫn tăng nóng
03/04/2022 12:06:41
Chính quyền đã có nhiều động thái chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền ở Cam Lâm (Khánh Hòa). Tuy nhiên giá đất khu vực này vẫn tăng chóng mặt thời gian gần đây.

Hai tháng nay, giới đầu cơ, cò đất lại đổ xô về huyện Cam Lâm săn đất, việc mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp.

“Nằm vùng ở Cam Lâm được hơn tháng rồi, đất vẫn bán đều còn giá cả vẫn đang tăng từng ngày. Dịp này mua bán thuận lợi hơn khi tình trạng ‘cò ảo’ giảm nhiều so với đầu năm”, Phú - nhân viên một sàn bất động sản ở Nha Trang - nói.

Đất lên giá từng ngày
Theo cò đất này, hồi Tết giá đã tăng mạnh, nhưng sau đó chính quyền can thiệp nên tạm lắng. “Từ khi VinGroup chính thức công bố sẽ đầu tư siêu đô thị ở Cam Lâm, giá đất tiếp tục tăng”, Phú nói và cho biết giờ có tầm 1 tỷ đồng vào Cam Lâm rất khó kiếm đất đẹp.

Còn Thu Trang - một môi giới bất động sản tự do, dân bản địa - cho biết dù UBND huyện Cam Lâm đã có thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ tháng 12/2021, giá đất tại khu vực này vẫn tăng phi mã.

“Sau khi có tập đoàn xin đầu tư dự án khủng gần 17.000 ha, cộng thêm việc Cam Lâm được Chính phủ cho phép lập quy hoạch đô thị sân bay đất ở khu vực này đã tăng thêm 3-5 lần. Trung bình đất thổ cư tăng thêm 7-10 triệu đồng/m2, còn đất trồng cây lâu năm, hàng năm tăng 5-7 lần tùy khu vực”, Trang nói.


Nhiều vị trí đất ven đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm, được phân lô để bán. Ảnh: Xuân Hoát.

Theo cò này, việc đất ở Cam Lâm tăng giá không theo quy chuẩn nhất định, phần lớn do cò thổi giá hoặc hai bên tự thỏa thuận với nhau tùy nhu cầu mua bán. Đối với khu vực ven trục đường chính và ven đầm Thủy Triều, đất thổ cư có giá 18-40 triệu đồng/m2 nhưng không dễ để có lô đẹp.

Lúc trước giá dao động 70-80 triệu đồng mét ngang, nay đã tăng lên hơn 150 triệu đồng/mét ngang. Đất có vị trí đẹp có giá không dưới 200 triệu đồng/mét ngang

Ông Đặng Văn

Trong khi đó, người dân địa phương cho biết đất vườn trồng xoài ở Cam Lâm giờ rất ít người bán. Một phần vì quỹ đất này họ bán gần hết, số còn lại vẫn “găm” chờ giá lên thêm.

“Sau Tết, nhiều môi giới bất động sản và giới đầu cơ ở các tỉnh thành khác đến hỏi mua đất vườn, đất rẫy nhiều hơn. Lúc trước giá dao động 70-80 triệu đồng mét ngang, nay đã tăng lên hơn 150 triệu đồng/mét ngang. Đất có vị trí đẹp có giá không dưới 200 triệu đồng/mét ngang”, ông Đặng Văn - ngụ xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm - cho hay.

Liên lạc với một số cò khi cần mua đất ở Cam Lâm, các môi giới này tư vấn không nên “săn” đất ven đầm Thủy Triều vì giá rất cao, trong khi khu vực khác rẻ hơn, việc làm giấy tờ cũng thuận lợi.

“Đất ven đầm Thủy Triều đa phần đã có chủ, nơi nào còn thì bị hét giá rất cao. Trong khi khu vực khác chỉ tầm 10-15 triệu đồng/m2, việc ra sổ cũng đơn giản”, cò tên Hoàng tư vấn.

Công khai quy hoạch để tránh rủi ro

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề rủi ro vì nguồn gốc đất, đất vướng quy hoạch, cộng thêm chính quyền kiểm soát chặt hồ sơ liên quan, Hoàng khẳng định chỉ cần khách xuống tiền đặt cọc, mọi việc sẽ lo được.

“Theo quy hoạch 1/5000 là đất sản xuất, sau này còn quy hoạch lại 1/2000, 1/500 thì có thể thay đổi thành loại đất khác. Còn đất cây lâu năm mặt tiền đường tránh Quốc lộ 1, cách đường sắt cao tốc, khả năng chuyển thành đất ở rất cao vì là hai bên quốc lộ sẽ là đất ở. Giá đó rẻ nên mua để đó đợi lên đất ở hoặc mua lướt khi tập đoàn triển khai dự án”, cò Phú trấn an.

Ông Phan Việt Hoàng - Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng thông tin tập đoàn lớn muốn đầu tư vào Cam Lâm, cộng hưởng với việc Thủ tướng cho lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm đã khiến giá đất khu vực này tăng bất thường; nhiều khu vực tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.


Cam Lâm được quy hoạch thành đô thị sân bay, hiện đại trong tương lai. Ảnh: Xuân Hoát.

Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng một trong những tình trạng bất cập hiện nay là nhiều khu đất phân lô bán nền chỉ dựa trên kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

“Những loại đất này đã được phép chuyển đổi mục đích thành đất ở nhưng thiếu căn cứ vào các quy hoạch phân khu, chi tiết và điểm dân cư nông thôn thì trong vấn đề kêu gọi các dự án đầu tư sẽ xảy ra tình trạng xung đột quy hoạch, dẫn đến việc chồng ranh dự án lên các ‘khu dân cư mới nổi’ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua", ông Hoàng nói.

"Bất động sản yếu tố sinh lời được thể hiện qua sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương chứ không phải qua sự ‘tung hô’, ‘thổi giá’ của các sàn môi giới”, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết thời gian qua tình trạng chuyển nhượng đất đai ở địa phương và giá đất tại một số khu vực trên địa bàn có nhiều biến động.

Phó chủ tịch huyện Cam Lâm cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất là quyền của người sử dụng đất; việc giá đất tăng cao là theo tình hình của thị trường.

"Chính phủ vừa đồng ý cho Khánh Hòa lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm với mục tiêu phát triển địa phương thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Do vậy, người dân khi có các giao dịch về quyền sử dụng đất cần đến các cơ quan chức năng để nắm rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tránh những rủi ro về tài chính”, bà Ngân nói và cho biết UBND huyện đã giao Phòng TN&MT phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất để người dân nắm.

"Chúng tôi cũng công bố công khai thông tin các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn để tránh trường hợp người sử dụng đất bị thiệt hại khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất”.

Tác giả: Xuân Hoát

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến