Thị trường bất động sản bị thao túng
Thông tin tại tọa đàm Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới diễn ra ngày 30/3 tại Tp.HCM, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới bất động sản trên toàn Việt Nam. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn.
Bên cạnh đó, qua thống kê cho thấy, hàng năm trung bình có trên 100.000 giao dịch bất động sản được thực hiện. Thậm chí tại một số địa phương, trong 1 tháng có tới vài nghìn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên các giao dịch bất động sản.
Theo ông Phạm Lâm, trong những năm trở lại đây, lực lượng môi giới bất động sản đã có sự thay đổi, tiến bộ rất lớn. Nhiều công ty đã xây dựng được lực lượng môi giới có chuyên môn, kỹ năng và đạo đức hành nghề tốt.
Tọa đàm Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới do Hội Môi giới bất động sản tổ chức để tìm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối Kinh doanh, Tiếp thị của Công ty CP đầu tư Nam Long dẫn chứng, cách đây 10 - 20 năm, nói chuyện về môi giới phải tham chiếu các thương hiệu nước ngoài. Từ 5 năm trở lại đây, tất cả các dự án từ cao cấp đến thấp cấp vùng sâu vùng xa đều phụ thuộc vào hệ thống môi giới trong nước khi lực lượng này chiếm tới 99% thị phần.
Ông Trương Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Property X, đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh đánh giá: “Nhìn vào khía cạnh tích cực, môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng kết nối nhu cầu thực của nhà đầu tư, tạo nên thị trường bất động sản sôi động, tạo nên nguồn thu, phát triển kinh tế. Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức có uy tín, chuyên môn, thành tích, ấn tượng, trong nghề môi giới bất động sản được vinh danh”.
Tuy nhiên, còn tồn tại một bộ phận không nhỏ môi giới thiếu chuyên nghiệp với hành vi “găm” đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng đoạn thị trường.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản ở một số nơi ghi nhận tình trạng nhảy múa, giá tăng vọt, trong đó có sự “thổi gió” của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp.
“Thậm chí ngay cả nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp vẫn cố tình "tiếp tay" đẩy giá, thổi giá, tạo ra lợi ích không phục vụ cho phát triển kinh tế của các địa phương. Có thể nói, thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng”, ông Đính nhìn nhận.
Cần chế tài mạnh cho nghề môi giới
Bà Nguyễn Hương, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng: “Để xảy ra những câu chuyện môi giới bất lương, lũng đoạn thị trường, một phần nguyên nhân do chưa có sự đánh giá, xây dựng tiêu chí để xác định điều kiện hành nghề môi giới”.
“Khung pháp lý đã có nhưng luật pháp thả nổi trong thời gian khá dài, trong khi số lượng môi giới ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo đó, đã đến lúc cần quy chuẩn cho nghề môi giới. Cần quy định rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề. Qua đó có giám sát, chế tài mạnh tay với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp”, bà Hương kiến nghị.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Cần phải xác định trong thị trường bất động sản hiện nay, vai trò của môi giới là tất yếu, là một trong những chủ thể rất quan trọng trên thị trường.
Để phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng này, cần một cuộc tổng rà soát để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong thời gian qua, nhận diện vấn đề mới có thể tìm ra giải pháp”.
Những quy định mới tại Nghị định 16/2022 có hiệu thực thi hành từ ngày 28/1/2022, thay thế Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản… sẽ điều chỉnh từng hành vi vi phạm cụ thể trong các giao dịch bất động sản liên quan trực tiếp đến các hoạt động môi giới. Đây là bước tiến để hoạt động môi giới bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tại tọa đàm.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia chỉ ra, để giải quyết triệt để hiện tượng “cò đất” thì phải chờ sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản. Song song đó, cần có một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý bằng mã số định danh, chứng chỉ hành nghề để thuận lợi cho việc kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm.
Còn có vai trò của các nhà đầu tư trong việc đưa ra các tiêu chí chọn lọc nhà môi giới phân phối các sản phẩm ra thị trường dựa trên sự uy tín, chất lượng, chuyên nghiệp vô cùng quan trọng, góp phần làm minh bạch thị trường.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy