Giá dầu tiếp tục trồi sụt mạnh trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng vọt từ hơn 113 USD/thùng lên 118,3 USD/thùng, rồi điều chỉnh nhẹ về mức 117,05 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI không chênh lệch nhiều so với giá dầu Brent. Đây vốn là điều bất thường trên thị trường dầu.
Giá dầu WTI tăng mạnh từ dưới 112 USD/thùng lên áp sát ngưỡng 118 USD/thùng, rồi giảm nhẹ về 116,16 USD/thùng.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng những thông tin trái chiều khiến giá dầu trồi sụt liên tục trong vài ngày qua. Giá dầu tăng mạnh sau thông tin Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu 90% dầu Nga, rồi hạ nhiệt nhờ niềm tin rằng các nước xuất khẩu dầu khác sẽ tăng sản lượng nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, việc OPEC không tăng sản lượng mạnh như dự đoán khiến giá dầu lại quay đầu bật tăng.
Giá dầu Brent tăng mạnh sau thông báo mới của OPEC+. Ảnh: Trading Economics.
Đà bán tháo bị đảo ngược
"Kết quả đáng thất vọng từ cuộc họp của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đã làm đảo ngược đà bán tháo trên thị trường dầu ngày hôm qua", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - bình luận với Zing.
"Giới đầu tư thất vọng khi OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng lên gần 650.000 USD/ngày trong vòng 2 tháng tới, thay vì mức tăng lớn hơn nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga", vị chuyên gia nói thêm.
Cụ thể, hôm 2/6, OPEC+ (bao gồm Nga) đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Mức nâng này cao hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ.
Theo ông Halley, các thị trường dầu thế giới cho rằng động thái của OPEC+ sẽ không có tác động nhiều tới tình trạng mất cân bằng cung cầu trên toàn cầu.
Kết quả đáng thất vọng từ cuộc họp của OPEC+ đã làm đảo ngược đà bán tháo trên thị trường dầu ngày hôm qua Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore |
“Trên thực tế, việc OPEC+ gia tăng sản lượng không có quá nhiều tác động tới thị trường. Bởi sản lượng dầu mỏ của khối này đang thấp hơn khoảng 2 triệu thùng/ngày so với kế hoạch đã đề ra”, ông Andrew Lipow - Chủ tịch Lipow Oil Associates - nhận định.
Theo nguồn tin của Reuters, sản lượng dầu của Nga đã giảm 1 triệu thùng/ngày trong vài tháng qua. Nguyên nhân chính là các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm trả đũa việc Moscow đổ quân vào Ukraine.
Thông báo hôm 2/6 của OPEC không đề cập đến sự sụt giảm này. Họ chỉ cho biết nguyên nhân là các nền kinh tế lớn gỡ phong tỏa và nhu cầu của những nhà máy lọc dầu được dự báo tăng.
Giá dầu đã hạ nhiệt trong những ngày qua sau những thông tin về việc Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu khác có khả năng bơm thêm lượng dầu thô đáng kể.
Theo nguồn tin của Financial Times, Saudi Arabia đã lên kế hoạch nâng sản lượng dầu thô nếu sản lượng dầu của Nga lao dốc đáng kể do lệnh trừng phạt từ phía châu Âu.
Trước đó, Wall Street Journal đưa tin rằng OPEC có thể loại Nga ra khỏi thỏa thuận dầu mỏ, sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của Moscow.
Việc loại trừ Nga khỏi thỏa thuận về hạn ngạch sản xuất dầu mỏ có thể mở đường cho Saudi Arabia, UAE và các nước sản xuất dầu khác trong OPEC bơm thêm lượng dầu thô đáng kể.
"Nhưng quyết định tăng sản lượng lên gần 650.000 USD/ngày của OPEC+ đã khiến thị trường thất vọng. Tình trạng thiếu mất cân bằng cung - cầu dầu thế giới sẽ không sớm được giải quyết. Điều này khiến giá quay đầu bật tăng", chuyên gia Jeffrey Halley giải thích với Zing.
Thị trường vẫn mất cân bằng
Ngoài ra, theo ông Halley, giá dầu càng được thúc đẩy hơn nữa sau thông tin về dự trữ dầu thô và nhiên liệu tại Mỹ. Reuters đưa tin dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục lao dốc 5,1 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu tại Mỹ đang tăng mạnh. Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng việc làm kỷ lục trong năm 2021. Nhu cầu di chuyển tăng lên khi các nhân viên trở lại văn phòng sau 2 năm làm việc từ xa.
Nhu cầu đối với xăng dầu cũng tăng cao trong mùa du lịch. Các hãng hàng không của Mỹ đều ghi nhận lượng đặt vé cao, ngay cả khi giá vé máy bay đã tăng cao hơn mức trước đại dịch.
Biến động của giá dầu WTI trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.
"Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tác động nhiều tới giá dầu WTI hơn. Do đó, mức chênh lệch giá giữa dầu Mỹ và dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế đã lao dốc mạnh", ông Halley giải thích.
Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc đang trên đà thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng do những biện pháp chống dịch gắt gao. Thượng Hải - trung tâm tài chính với 25 triệu cư dân, nơi có cảng biển đông đúc nhất thế giới - đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa theo từng giai đoạn.
Các hạn chế ở những thành phố như Bắc Kinh và Thiên Tân cũng bớt nghiêm ngặt hơn. Trước đó, lệnh phong tỏa của Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động từ di chuyển, sản xuất tới vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy