Dòng sự kiện:
Giá dầu dự báo lên 90 USD/thùng, cổ phiếu dầu khí có bùng cháy?
30/09/2021 11:24:24
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng nếu thời tiết ở Bắc bán cầu trở nên lạnh hơn bình thường trongmùa đông, cao hơn 10 USD/thùng so với dự báo hiện tại...

Ảnh minh hoạ.

Giá dầu Brent đạt 79 USD/thùng trong tháng 9, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, tăng 52,5% so với đầu năm và tăng gần 88% so với mức giá trung bình năm 2020 (~42 USD/thùng). Đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi trong nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm trong 9 tháng năm 2021.

Giá dầu có thể đạt mức 90 USD/ thùng nhờ cung giảm - cầu tăng

Trong báo cáo triển vọng nhóm Dầu khí mới đây, Chứng khoán VnDirect cho rằng, giá dầu Brent có khả năng tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay nhờ nhu cầu thế giới phục hồi.

Các chiến dịch tiêm chủng giúp các nền kinh tế được mở cửa trở lại. Nhờ vào những chiến dịch tiêm chủng tích cực (ví dụ, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ, Anh lần lượt là 63,4% và 71,4% tính đến ngày 24/9) kết hợp với chính sách nới lòng tiền tệ mở rộng tài khóa, một số nền kinh tế lớn đã phục hồi mạnh mẽ trong 6T21.

Vào tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Trung Quốc có thể tăng lên mức 8,5% vào năm 2021 thay vì mục tiêu 6% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra. Do đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế thế giới sau đại dịch, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) thì trong tháng 9, kho dự trữ của Hoa Kỳ giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, gần chạm mức thấp nhất trong ba năm. EIA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày so với mức giảm mạnh 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch (2019).

Trong bối cảnh nguồn cung khí tự nhiên đang thiếu hụt như hiện nay dẫn đến giá khí tăng cao, dầu thô sẽ được lựa chọn như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất. VnDirect kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá đối với thị trường dầu thô trong mùa đông này, lớn hơn rủi ro giảm nhu cầu toàn cầu đến từ một làn sóng Covid tương tự như biến chủng Delta.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng nếu thời tiết ở Bắc bán cầu trở nên lạnh hơn bình thường trong mùa đông, cao hơn 10 USD/thùng so với dự báo hiện tại.

Trong khi đó, nguồn cung dường như vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ.

Ngày 18/7, OPEC+ đã quyết định tăng dần sản lượng dầu thô thêm 400 nghìn thùng/ngày mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8 đến 12/2021, nâng tổng sản lượng lên thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Ngoài ra, thỏa thuận quản lý nguồn cung cũng được gia hạn từ tháng 4/2022 đến hết 2022. Thỏa thuận này cho thấy việc sản lượng tăng chậm sẽ khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới.

Trong khi đó, mặc dù đã gia tăng sản lượng theo thỏa thuận, sản lượng dầu của OPEC vẫn thấp hơn khoảng 10% so với tổng hạn ngạch áp dụng cho 10 thành viên trong tháng 8 do tình trạng thiếu đầu tư và trì hoãn các hoạt động bảo dưỡng trong thời gian đại dịch.

Sản lượng dầu thô của Mỹ đang không bắt kịp tốc độ tăng của giá dầu. Theo Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ là 521 giàn vào tháng 9/2021, tăng gấp đôi so với mức đáy vào tháng 8/2020 (244 giàn) nhưng vẫn chỉ bằng 55% mức trung bình năm 2019 (khoảng 943 giàn). Do đó, sản lượng dầu của Hoa Kỳ chưa tăng kịp để đáp ứng với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Bên cạnh một số vấn đề liên quan đến thời tiết như cơn bão tuyết nghiêm trọng vào tháng 2 hay cơn bão Ida vào tháng 9, một trong những nguyên nhân chính đến từ chính sách mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc hạn chế ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vào tháng 9, EIA ước tính sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt 11,1 triệu thùng/ngày trong năm 2021 (thấp hơn khoảng 10% so với mức trước Covid) và 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Do đó, VND cho rằng nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, tạo ra khoảng chênh lệch thiếu hụt có
thể hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian tới.

Về phía nguồn cung, các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran sẽ là rủi ro chính vì điều này có thể dẫn đến sự quay trở lại của Iran với vai trò là nhà cung cấp thêm khoảng 2,1 triệu thùng/ngày.

Giá cổ phiếu dầu khí diễn biến thế nào?

Do có sự tương quan cao với giá dầu Brent, giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới. Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành Dầu khí trong năm 2021 do làn sóng Covid-19 hiện tại, đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.

Điều này là do giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS.

Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, cho thấy hoạt động Thăm dò & Khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ đà tang giá hiện nay. Đáng chú ý, tại Việt Nam, giá dầu Brent duy trì trên 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả.

Theo quan điểm của VND, giá dầu Brent trung bình hàng năm kỳ vọng sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng trong năm giai đoạn 2021-23, tuy nhiên VND vẫn xây dựng các kịch bản khác cho giá dầu, chủ yếu dựa trên các kịch bản phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tác giả: Thu Minh

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến