Thứ Ba, IHS Markit công bố khảo sát cho hoạt động kinh doanh tại Mỹ vẫn tăng trưởng khá vững vàng trong tháng 11, ngay cả khi bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động và đứt gãy nguồn cung khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trải qua đợt lạm phát lớn nhất trong 31 năm.
Cụ thể, theo IHS Markit, chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ trong nửa đầu tháng 11 ghi nhận mức 56,5, giảm nhẹ từ mức 57,6 vào tháng 10. Trong đó, PMI sản xuất tăng từ mức 58,4 lên mức 59,1. PMI dịch vụ giảm từ mức 58,7 xuống mức 57.
Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng là điểm sáng trong phiên đêm qua khi giá dầu tăng bất chấp việc Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ giải phóng dầu thô từ kho trữ dầu chiến lược trong một động thái phối hợp với các nước khác để cố gắng hạ nhiệt giá nhiên liệu. Cổ phiếu ExxonMobil tăng 2,63%, cổ phiếu Diamondback Energy tăng 4,48%.
Ngược lại, cổ phiếu công nghệ Mỹ kéo dài đà trượt dốc khi lãi suất trái phiếu tiếp tục leo dốc. Lợi tức của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên đêm qua tăng 4 điểm cơ bản, lên mức 1,665%. Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, mất 1,1%. Cổ phiếu Zoom trượt 14,7%.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi đợt tái bùng phát dịch Covid-19 ở châu Âu và châu Á, khiến nhiều nước đang lên kế hoạch giãn cách hoặc đóng cửa kinh tế để ngăn chặn lây lan.
Chứng khoán Mỹ dự kiến sẽ giảm dần giao dịch khi kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn của sắp đến. Phố Wall sẽ đóng cửa sớm vào thứ Năm để chuẩn bị cho kỳ nghỉ.
Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang có diễn biến tiêu cực.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Dow Jones tăng 194,55 điểm (+0,6%), lên 35.813,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,76 điểm (+0,2%), lên 4.690,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 79,62 điểm (-0,5%), xuống 15.775,14 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Ba, đánh dấu phiên tồi tệ nhất trong gần hai tháng trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát làm tăng lo ngại về việc đóng cửa nền kinh tế lần nữa.
Trong khi đó, dữ liệu của IHS Markit cho thấy, hoạt động kinh doanh trong khu vực tư nhân của Đức tăng nhẹ trong tháng 11 song tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dai dẳng trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục đè nặng lên sản lượng của các nhà máy và đẩy áp lực lạm phát lên mức cao chưa từng có.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,23 điểm (+0,15%), lên 7.266,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 178,69 điểm (-1,11%), xuống 15.937,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,38 điểm (-0,85%), xuống 7.044,62 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày tạ ơn lao động.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, nhờ triển vọng Trung Quốc sẽ giảm chi phí lãi vay và hỗ trợ các công ty nhỏ, trong khi cổ phiếu bất động sản hồi phục, sau khi các ngân hàng khơi thông các khoản vay cho các dự án bất động sản.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, bị đè nặng bởi những lo lắng kéo dài về lợi nhuận sụt giảm của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại thị trường này.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi giới đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,01 điểm (+0,20%), lên 3.589,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 299,76 điểm (-1,20%), xuống 24.651,58 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 15,92 điểm (-0,53%), xuống 2.997,33 điểm.
Giá vàng đêm qua tiếp tục giảm sâu khi đồng USD vẫn ổn định ở mức cao, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục đi lên trong bối cảnh thị trường cho rằng Fed có thể tăng lãi suất cơ bản sớm hơn so với dự kiến để hạ nhiệt lạm phát.
Kết thúc phiên 23/11, giá vàng giao ngay giảm 14,80 USD (-0,82%), xuống 1.789,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 22,5 USD (-1,25%), xuống 1.783,80 USD/ounce.
Giá dầu phục hồi lên mức cao nhất trong vòng một tuần qua vào phiên ngày thứ Ba bất chấp Mỹ tuyên bố sẽ giải phóng kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết, Washington sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR) và bắt đầu tung ra thị trường trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 12.
Đây là động thái phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh nhằm nỗ lực hạ nhiệt giá dầu sau khi các nhà sản xuất OPEC+ liên tục phớt lờ lời kêu gọi đẩy nhanh việc tăng sản lượng.
Kết thúc phiên 23/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,75 USD (+2,3%), lên 78,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,61 USD (+3,3%), lên 82,31 USD/thùng.
Tác giả: Quỳnh Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy