Giá dầu thế giới giảm kinh tế VN “được” nhiều hơn “mất”?
11/01/2015 10:28:50
ANTT.VN – Trước tình hình giá xăng dầu thế giới giảm, Bộ Tài chính đã chủ động trong việc cắt giảm sản lượng những mỏ dầu có chi phí sản xuất cao, bên cạnh đó nước ta là nước có lượng nhập khẩu dầu nhiều hơn xuất khẩu nên giá dầu giảm là có lợi cho nền kinh tế.

Tin liên quan

Đó là nhận định của T.S Hoàng Đình Minh -  Giảng viên trường ĐH Bách Khoa – Hà Nội, T.S Minh cho biết, giá xăng dầu giảm từ tháng 6 năm ngoái, Bộ Tài chính đã hoàn toàn chủ động trong việc dự đoán giá xăng dầu giảm, do đó, Bộ này đã chủ động cắt giảm sản lượng những mỏ dầu có chi phí sản xuất cao nên không có chuyện ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Đình Minh - Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội

Về lo ngại giá xăng dầu giảm khiến ngân sách bị thâm hụt, T.S Minh đánh giá, thực chất  ngân sách sẽ không bị thâm hụt nhiều, vì dầu hiện nay chiếm khoảng từ 10 – 11% GDP của cả nước,  tất cả lượng dầu nước ta khai thác hầu như là liên doanh, chia theo tỷ lệ, nếu như mất thì cũng chỉ mất tối đa khoảng 50% chứ không phải mất cả.

Thêm một lý do nữa, trong vòng 7 năm liên tiếp từ 2007 - 2014 chúng ta luôn trong tình trạng là nhập siêu dầu. Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan đến tháng 12/2014  nước ta xuất khẩu dầu là 6,75 tỷ USD, nhập khẩu là 7,23 tỷ USD, Tổng cục Thống kê công bố con số còn lớn hơn, xuất khẩu dầu là 7,12 tỷ USD, nhập khẩu là 8,78 tỷ USD. Như vậy, nước ta luôn nhập khẩu dầu nhiều hơn nên giá dầu giảm là tốt cho nền kinh tế.

Cùng với đó, “một nghiên cứu mới nhất của Mỹ được công bố vào tháng 12 vừa qua cho thấy, giá dầu giảm trong thời gian qua giúp cho nền kinh tế thế giới 1.200 tỷ USD kích cầu, tôi dự đoán hơn 1 tỷ USD kích cầu cho nền kinh tế Việt Nam. Kích cầu này không gây ra lạm phát vì Chính phủ không phải bỏ tiền ra mà kích cầu từ thị trường, do đó giá dầu giảm là tốt cho điều kiện của Việt Nam hiện nay”. T.S Minh nói.

Bên cạnh đó, T.S Hoàng Đình Minh cũng phân tích, ngày 4/12/2014, Bộ Tài chính ban hành thông tư mới về tính thuế nhập khẩu xăng dầu, nếu như giá xăng dầu dưới 60 USD/thùng thì thuế cho 4 loại xăng dầu chính kịch trần là 40%, khi nào giá xăng dầu tăng trở lại thì thuế nhập khẩu sẽ giảm. “Theo tính toán nếu như giá dầu giao động xung quanh khoảng 50 USD/thùng thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% trở lên chứ không có trở xuống, nếu như không có gì bất thường, thậm chí trong năm 2015 này còn có thể lấy thêm cả phần của 2016”.

Theo T.S Minh dự đoán trong năm 2015 châu Âu sẽ ổn định vì trong năm này Anh và Mỹ cũng đều ráo riết chuẩn bị tiến hành bầu cử nên quốc gia và chính khách các nước này đều mong muốn có chỉ số “đẹp”, đồng thời Việt Nam vừa ký kết một loạt hiệp định FDI với Hàn Quốc và sắp tới cũng sẽ hoàn thành ký kết Hiệp định này với EU, thêm nữa nước ta cũng đã tiến hành xong ký kết Liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazakhstan, điều này chứng tỏ mối liên hệ của việc tăng trưởng kinh tế kết hợp với giá xăng dầu giảm.

Cùng với thuận lợi giá dầu thế giới giảm, các động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những tác động tích cực cho việc phát triển kinh tế. Theo T.S Minh, từ 3 năm trở lại đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu ngầm định, do đó mục tiêu lạm phát đã được đề ra trước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố mức độ lạm phát, nếu lạm phát ổn định thì tỷ giá cũng sẽ ổn định.

“Vừa mới đây tỷ giá phá 1 % , tôi nghĩ việc làm này là đúng thời điểm và rất khôn ngoan của Ngân hàng Nhà nước vì nó hội tụ đủ các yếu tố “ thiên thời – địa lợi  - nhân hòa”, vì nhìn lại năm 2013, Thống đốc nói sẽ điều chỉnh 3% tỷ giá nhưng năm này không dùng đến hết 3% mà chỉ dùng có 1,43%, còn trong năm 2014 vừa qua Thống đốc cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh từ 2 - 3% tỷ giá nhưng trong năm này cũng chỉ điều chỉnh hơn 1%. Như vậy, rõ ràng là mức “zoom” năm 2013, 2014 ta vẫn chưa dùng hết. Nhìn lại hồi tháng 6/2014,  khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 1% ngay lập tức thị trường biến động, nhưng việc điều chỉnh vừa qua chúng ta thấy không hề có biến động, bởi vì niềm tin của các thành phần kinh tế  đối với chính sách tiền tệ của NHNN đã được cải thiện trong 2 năm vừa rồi, nếu Thống đốc phá giá 1% ngay hồi đầu năm, nghiễm nhiên sẽ thông báo cho toàn bộ thị trường là từ nay đến cuối năm Thống đốc sẽ chỉ điều chỉnh 1% nữa và tất cả các thành phần trong nền kinh tế đặc biệt là các thành phần tham gia vào xuất nhập khẩu họ sẽ có kế hoạch về vấn đề rủi ro tỷ giá”.

Đặt ra vấn đề việc điều chỉnh 1% tỷ giá mang lại điều gì vào thời điểm này? T.S Minh cho biết, “vì giá dầu giảm, lạm phát ổn định, lãi suất có thể sẽ giảm, thêm nữa, 1% phá giá vào thời điểm này là lúc lượng kiều hối đổ về rất lớn, dự kiến là 12, 4 tỷ USD, do đó sẽ thúc đẩy lượng kiều hối đổ về nhiều hơn, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sẽ tăng cao hơn”.

T.S Cao Sỹ Kiêm

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, giá xăng dầu thế giới giảm sẽ có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại không tốt với ngân sách nhà nước. Với doanh nghiệp khi giá xăng rẻ, giá thành hạ, sức cạnh tranh sẽ tăng lên, người dân cũng được hưởng lợi vì chi phí tiêu dùng rẻ hơn, đời sống vì thế sẽ được cải thiện.
 
Tuy nhiên, vì nước ta là nước sản xuất dầu thô và nguồn thu ngân sách từ dầu thô cũng khá cao nên khi giá nhiên liệu thế giới giảm, nguồn thu bị thiếu hụt khiến ngân sách bị giảm. Hiện, chúng ta mất khoảng 45 nghìn tỷ ngân sách.

Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến