Núi Chư Đăng Ya ở Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc.
Sáng 20/11, tại hội nghị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
"Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhưng phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính: Kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế", Thủ tướng nhận định.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục. Đồng thời cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng...
"Tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra", Thủ tướng dẫn chứng.
Tại hội nghị, ban tổ chức cũng công bố các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư ở Gia Lai. Cụ thể, Dự án du lịch sinh thái Hồ Ayun Hạ được tỉnh Gia Lai cấp 500 ha để xây dựng; dự án nằm ở phía Đông Nam tỉnh này cách quốc lộ 25 khoảng 13km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng.
Biển Hồ ở Gia Lai. Ảnh: Phượng Nguyễn.
Dự án khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya có diện tích 5.191 ha, trong đó diện tích xây dựng dự kiến 1.000-1.500 ha. Theo quy hoạch, dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya có vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng. Hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu xây dựng khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya trở thành khu du lịch quốc gia thúc đẩy du lịch Gia Lai phát triển, góp phần phát triển du lịch vùng; tạo điểm nhấn trên các tuyến du lịch quan trọng của quốc gia và khu vực.
Dự án Trung tâm logistics Quốc tế Tây Nguyên có diện tích 511 ha, trong đó giai đoạn 1 là 266 ha, giai đoạn 2 là 245 ha, nằm ở huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải container nội địa đang tăng nhanh, chia sẻ cho vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai sẽ dành quỹ đất 75 ha để xây dựng dự án nhà máy sản xuất lốp ôtô Radian, sản phẩm cao su kỹ thuật và cao su băng tải và 75 ha thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy