Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016- 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Đáng lưu ý, công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số Bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm;
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó, nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án khá lớn. Công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ, dẫn đến chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.
Phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới, Quốc hội yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Đồng thời, cần tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành đôn đốc thực hiện Nghị quyết và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, phân loại, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí liên quan đến các dự án kể trên.
13 dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ giai đoạn 2016-2021: 1. Nhà máy điện Quảng Trạch 2. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng 3. Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng 4. Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 5. Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 6. Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 4 7. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (dự án BOT) 8. Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (dự án IPP) 9. Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân (dự án IPP) 10. Chuỗi dự án khí - điện Lô B (gồm dự án Phát triển mỏ khí Lô B, Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Dự án trung tâm điện lực Ô Môn gồm: Nhà máy điện Ô Môn I, II, III, IV) 11. Chuỗi Dự án khí - điện Cá Voi Xanh 12. Chuỗi dự án khí - điện LNG Sơn Mỹ (gồm dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ và Dự án Trung tâm điện lực Sơn Mỹ - nhà máy điện Sơn Mỹ I và II) 13. Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Tác giả: Luân Dũng
- Liên tục bị cảnh cáo vì chậm tiến độ, Tập đoàn Thành Huy lại trúng thầu trăm tỷ tại Hà Tĩnh
- Nghệ An: Ngang nhiên thi công dự án trọng điểm dưới đường điện chưa di dời
- Tân Bộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành các dự án trọng điểm
- Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy