Dòng sự kiện:
Giá năng lượng lại đè doanh nghiệp niêm yết
15/03/2022 10:01:50
Giá xăng dầu, khí, than tăng vọt trong những ngày qua khiến các doanh nghiệp có đầu vào chủ yếu là các sản phẩm này chịu thêm tổn thương.

Doanh nghiệp vận tải chưa kịp khắc phục thiệt hại do Covid-19 thì lại đối mặt với khó khăn từ việc xăng dầu tăng giá

Điện khí, điện than thêm khó

Cùng với giá dầu, giá khí đốt trên thị trường toàn cầu đang tăng chóng mặt. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá khí đốt châu Âu lên tới 3.600 USD/1.000 m3 (dẫn số liệu từ Sàn giao dịch hàng hóa ICE tại London, Anh ngày 7/3/2022). Giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao vào tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan cũng tăng lên 3.639,1 USD/1.000 m3.

SSI Research đánh giá, đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, giá dầu khí tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Ngoài ra, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể thu hẹp nếu giá vốn mua khí không giảm. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2), dù năm 2021, doanh thu thuần đạt 5.474 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với năm trước đó, nhưng do mức tăng trưởng này chậm hơn mức tăng của giá vốn (giá khí đầu vào) nên biên lợi nhuận gộp sụt giảm 24% trong kỳ. Kết quả, Công ty báo lãi sau thuế 534 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với năm 2020.

Không chỉ giá dầu, giá khí, giá than trên thị trường thế giới cũng tăng mạnh do ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nga vốn là quốc gia xuất khẩu than đá quan trọng trên thế giới, nên khi nguồn cung than đá và dầu mỏ từ Nga bị chặn lại bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia EU, trong khi sức cầu tăng mạnh do EU sử dụng than đá thay thế cho khí đốt (từ Nga) đã tạo áp lực lên giá than.

Giá xăng dầu đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Ngày 3/3/2022, giá than 5.500 NAR 20% tro xỉ của Australia (FOB Newcastle) đạt 205,25 USD/tấn, tăng 25,65 USD/tấn so với phiên trước đó.

Than 5.900 GAR của Indonesia (FOB Kalimantan) được S&P Global báo giá 200 USD/tấn trong cùng phiên, tăng 45,1 USD/tấn; trong khi than nhiệt 5.750 NAR tại Đông Bắc Á tăng 28,23 USD/tấn lên 248,63 USD/tấn.

Hiện sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 20 - 25% than cung cấp cho các nhà máy điện than hàng năm. Trong đó, Australia và Indonesia là hai thị trường nhập khẩu than chính. Do đó, biến động giá than sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy điện than trong nước.

Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) cho biết, công tác cung ứng than trong 2 tháng đầu năm gặp một số khó khăn, phần lớn do giá than tăng cao. Tổng công ty đã làm việc với các nhà cung cấp than lớn để tìm giải pháp bổ sung nguồn than nhằm đảm bảo đủ than cho vận hành và bám sát tình hình thực tế để xây dựng phương án vận hành phù hợp.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực (EVN) đã yêu cầu doanh nghiệp chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện trong tình hình hiện nay.

Năm 2021, giá than đã xuất hiện những đợt tăng nóng khiến lợi nhuận gộp các doanh nghiệp nhiệt điện than giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) chỉ còn 7,1%, giảm mạnh so với mức 17,5% trong năm 2020. Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) lỗ gộp 112,3 tỷ đồng.

Chi phí đầu vào tăng mạnh có thể xem là khó khăn kép của các doanh nghiệp điện than, khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn để phát triển các dự án điện than do lo ngại ô nhiễm môi trường. Điều này sẽ cản trở các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà máy điện mới.

Vận tải gian nan phục hồi

Giá dầu thô dù có nhịp điều chỉnh khá mạnh trong hai phiên cuối tuần qua trước diễn biến mới của tình hình chiến sự tại Ukraine. Tuy vậy, giá dầu thô vẫn đang ở mức gần 110 USD/thùng và được dự báo vẫn neo ở mức cao khi nhu cầu năng lượng của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng cao.

Tại thị trường trong nước, liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/3/2022 với mức tăng gần 3.000 đồng/lít xăng và gần 4.000 đồng/lít với dầu hỏa và dầu diesel. Theo đó, giá xăng RON 95 đã tiệm cận 30.000 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel 0.05S là 25.268 đồng/lít.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM đánh giá, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể tăng nữa, khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí nhiên liệu đang chiếm khoảng 35 - 40% đối với các loại xe container, xe tải nặng; còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT...

Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp khắc phục thiệt hại do Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, toàn ngành lại phải tiếp tục đối mặt với khó khăn từ việc xăng dầu tăng giá.

Công ty cổ phần Hoàng Hà (mã HHG) cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, từ tháng 8 - 10/2021, toàn bộ xe liên tỉnh của Công ty phải ngừng hoạt động.

Năm qua, HHG ghi nhận doanh thu thuần 94,3 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó; lỗ sau thuế 68,6 tỷ đồng. HHG đã lỗ liên tục từ quý III/2019 đến nay.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Ánh Dương - Vinasun Taxi (VNS) ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần giảm 52% so với năm 2020, xuống còn 485 tỷ đồng và lỗ ròng gần 277,6 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 210,6 tỷ đồng).

Theo chia sẻ của ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc VNS, từ đầu năm đến nay, xăng dầu tăng giá mạnh khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ. Vinasun đã phải chọn giải pháp tăng giá cước.

Nếu không đưa lợi nhuận “trở về mặt đất” trong năm nay, doanh nghiệp taxi truyền thống này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Tuy vậy, với bối cảnh hiện tại, bài toán này thật không đơn giản.

Ông Nguyễn Đức Chí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Transimex cũng than thở, xăng dầu tăng giá liên tục đã gây áp lực tâm lý rất lớn với cả doanh nghiệp logistics và khách hàng. Nhưng để doanh nghiệp quyết định tăng giá cước không phải dễ dàng, mà cần có thời gian đăng ký và thương thảo với khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp logistics phải tìm cách giảm tối đa các chi phí liên quan.

Cùng chung nỗi lo, Tập đoàn Mai Linh thừa nhận, doanh nghiệp không gánh nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiên liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch cũng đi lên.

Hiện toàn ngành vận tải đang dõi theo diễn biến của giá xăng dầu để có những thay đổi chính sách phù hợp cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Song, giá xăng dầu leo thang cũng là “cú đấm kép” vào tình hình tài chính của mỗi đơn vị. Do đó, mong muốn hàng đầu của các doanh nghiệp là sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn.

Tác giả: Kiều Trang

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến