Đầu năm 2021, thị trường nhà ở tại TP.HCM có phần chững lại do dịch Covid-19 và thời điểm hậu Tết. Người mua nhà lúc này cũng đang có nhiều thay đổi, cân nhắc về khẩu vị đầu tư do giá căn hộ mới tăng cao và nguồn cung hạn chế.
Năm tháng trước khi đón con gái thứ hai ra đời, vợ chồng anh Hoàng Việt (43 tuổi) vẫn đang tìm kiếm căn hộ phù hợp để mua sau nhiều năm thuê nhà tại TP.HCM.
"Bốn năm trước, khi có cháu thứ nhất, vợ chồng tôi vẫn chưa tích lũy được nhiều nên chấp nhận việc đi thuê nhà. Tuy nhiên, do gia đình có thêm thành viên mới, tôi đặt mục tiêu phải mua nhà bằng được trước khi vợ sinh để có không gian sinh hoạt thoải mái cho ba mẹ con, ổn định cuộc sống lâu dài", anh Việt chia sẻ.
Nhà đã bàn giao được ưa chuộng
Với số tiền 3 tỷ đồng bao gồm cả khoản tiết kiệm và vay ngân hàng cho một căn hộ trên 70 m2 không quá xa trung tâm, anh Hoàng Việt hướng đến các dự án mới bàn giao tại khu vực quận 8, quận Tân Phú, quận 7.
"Do mua nhà để an cư, tôi muốn mua những sản phẩm còn mới, tiện ích đa dạng và nằm giữa khu dân cư đã hình thành với hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh", anh nói thêm.
Trao đổi với Zing, bà Hà Thị Thục Uyên, Giám đốc khối Kinh doanh Thứ cấp Rever cho biết cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 là thời điểm nhóm khách hàng mua để ở quan tâm rất lớn đến việc mua nhà bởi nhiều gia đình muốn dọn vào tổ ấm mới, chuẩn bị cho một năm mới nhiều thuận lợi, thành công hơn.
Các dự án căn hộ mới bàn giao trong 2 năm trở lại đây được người mua với nhu cầu ở thực yêu thích. Ảnh: Chí Hùng.
"Thời điểm này, tâm lý người mua nhà thường quan tâm đến các căn hộ đã bàn giao trong khoảng 2 năm trở lại đây, căn hộ đang trong giai đoạn bàn giao hoặc căn hộ sắp bàn giao với mức ngân sách phù hợp tài chính. Những yếu tố của căn hộ mà người mua nhà quan tâm ở đầu năm 2021 sẽ bao gồm chính sách ưu đãi, tính pháp lý, uy tín chủ đầu tư, giá thành, vị trí và môi trường sống", bà Thục Uyên phân tích.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP.HCM sụt giảm và giá nhà mới tăng cao, thị trường thứ cấp lại trở nên sôi động. Bà Uyên cho biết đây là một thực tế diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường trên thế giới.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Rever từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi nguồn cung căn hộ sơ cấp hạn chế, số lượng dự án mở bán ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hoạt động giao dịch căn hộ thứ cấp có phần "sáng sủa hơn" với lượng giao dịch trên thị trường khá tốt, nhất là ở dòng phân khúc căn hộ từ 2 - 3 tỷ đồng.
Xu hướng tăng giá bán căn hộ thứ cấp đang diễn ra đều ở nhiều khu vực của TP, đặc biệt tại các khu vực đang "nóng" như quận 7, Bình Thạnh, Nhà Bè, đặc biệt là Thành phố Thủ Đức. Bà Thục Uyên dự báo các giao dịch thứ cấp đối với phân khúc căn hộ tại các khu vực này sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng sẽ còn tiếp tục sôi nổi hơn nữa.
Giới đầu cơ cẩn trọng
Ởmột góc độ khác, nhóm khách hàng mua bất động sản để đầu tư lại đang trong trạng thái quan tâm và theo dõi thị trường một cách sát sao trước những diễn biến phức tạp của Covid-19.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers International Việt Nam, có 2 nhóm nhà đầu tư là nhà đầu tư ngắn hạn với mục tiêu bán chênh nhằm tăng trị giá vốn, trong khi các nhà đầu tư trung và dài hạn hướng đến cả lợi suất cho thuê và tăng vốn.
Nhìn chung, ông cho rằng hoạt động mua bán bất động sản trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua diễn ra khá chậm do người dân tập trung chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bất chấp đại dịch, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã tận dụng mức ưu đãi lên đến 20% của một số chủ đầu tư đưa ra trong thời điểm trước thềm năm mới âm lịch nhờ cơ hội tăng đáng kể lợi tức đầu tư của họ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trung và dài hạn chú trọng hơn trong việc lựa chọn các dự án có vị trí, tiện ích và chất lượng quản lý. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, họ đã chứng kiến thị trường căn hộ cho thuê bị ảnh hưởng rõ rệt về nhu cầu thuê và giá thuê khi nhóm khách nước ngoài trở về nước trong năm 2020.
Cả 2 nhóm này đều đang cân nhắc ưu và nhược điểm của các kênh đầu tư khác nhau trong thời kỳ dịch bệnh như bất động sản, ngân hàng, cổ phiếu, vàng, trái phiếu,...
Thành phố Thủ Đức được cho là một trong những khu vực có tốc độ tăng giá bất động sản nhanh trong năm 2021. Ảnh: Chí Hùng.
"Những yếu tố như tính thanh khoản, mức độ rủi ro hay thời gian sẽ xác định khẩu vị của họ. Những người đầu tư bất động sản thường coi đây là một nơi trú ẩn an toàn do giá bất động sản thường không giảm, người mua cũng có thể tận dụng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp. Trong khi những nhà đầu tư ưa chuộng kênh gửi ngân hàng cố định hay trái phiếu lại do điều kiện kinh tế không chắc chắn", ông David Jackson nói với Zing.
Có quan điểm tương tự, bà Hà Thị Thục Uyên đánh giá với các nhà đầu tư khi quan tâm vào thị trường nhà đất, thời điểm đầu năm họ thường có tâm lý đợi chờ, nghe ngóng hơn là đổ tiền ngay vào đầu tư.
Giai đoạn này, khi thị trường nhà đất có phần chững lại, các nhà đầu tư sẽ cập nhật, theo dõi những dự án nào sắp mở bán, những khu vực nào đang sốt nóng trên thị trường. Khi thị trường sôi động trở lại, họ sẽ đưa ra những quyết định đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước đó.
Giá nhà vẫn tiếp tục tăng
Theo cả hai chuyên gia, giá căn hộ sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ nay đến hết 2021, bất chấp việc mức giá trung bình ở nhiều khu vực đã đội lên rất cao trong năm 2020 vừa qua khi đại dịch diễn biến phức tạp.
"Nguyên nhân phần lớn đến từ yếu tố nguồn cung do nhiều dự án bị vướng pháp lý, ngưng triển khai... Nguồn cung căn hộ mở bán khan hiếm, trong khi nhu cầu mua ở và đầu tư hiện vẫn rất cao sẽ là yếu tố khiến các chủ đầu tư đẩy giá bán căn hộ lên. Minh chứng là những dự án mở bán từ thời điểm cuối 2020 đến cận Tết Nguyên đán vừa qua luôn trong tình trạng đắt hàng, dù giá bán giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước đó từ 5-10%", bà Thục Uyên phân tích.
Đối với mảng thứ cấp, giá bán căn hộ tại TP.HCM cũng sẽ được đà ăn theo sự khan hiếm nguồn cung của sơ cấp, dự báo sẽ có mức tăng từ 7-10% trong năm 2021.
Các dự án hạ tầng sắp được đưa vào sử dụng trở thành động lực cho giá bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh.
Việc di chuyển giữa các vùng đô thị nhờ phát triển cơ sở hạ tầng được ông David Jackson đánh giá là một trong những lý do tăng giá bất động sản ở nhiều khu vực.
"Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ góp phần làm tăng giá bán căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức, bằng chứng là năm ngoái giá các căn hộ này đã leo thang 4-7%. Nhà ở tại các tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương có thể tăng giá hơn 10% do người dân ngày càng coi các tỉnh này là khu vực sinh sống để làm việc gần các khu công nghiệp và kết nối tốt hơn với TP.HCM hay Hà Nội. Tại Hà Nội, tuyến tàu điện ngầm sẽ làm tăng giá cả trên thị trường bất động sản sơ cấp và thứ cấp", CEO Colliers International Việt Nam dẫn chứng.
Ông cũng nhìn nhận một số bộ luật sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 1/2021 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Bên cạnh đó, sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sẽ góp phần nâng tầm nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Tất cả những điều này, cùng với sự phục hồi dự kiến của nhiều ngành kinh tế từ đại dịch Covid-19 vào năm 2021, sẽ tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với bất động sản nhà ở trên khắp Việt Nam, do đó làm tăng giá bất động sản.
Tác giả: Hà Bùi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy