Dòng sự kiện:
Giá USD tăng: Doanh nghiệp nên đa dạng hóa đồng tiền thanh toán
19/10/2022 13:27:12
Giá USD tăng cao khiến hàng loạt đồng tiền của các quốc gia khác giảm giá mạnh. Trước thực tế đó, doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh lại thị trường xuất nhập khẩu, vì có nguy cơ rơi vào trạng thái “lỗ tỉ giá”.

ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Nam Hà cho biết, việc đồng USD tiếp tục tăng giá so với VND giúp cho nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam trong các ngành như da giày, dệt may... có thêm lợi thế trên thị trường.

Tỉ giá biến động, ngành may mặc xuất khẩu vào một số thị trường như Mỹ, EU gặp khó Ảnh: Đức Duy

Nếu như đầu năm, tỉ giá giao dịch ở mức 22.600 VND/USD, khi DN xuất khẩu đạt doanh thu 1 triệu USD sẽ có 22,6 tỷ đồng, nhưng hiện tỉ giá neo ở mức hơn 24.500 VND/USD, DN sẽ thu về 24,5 tỷ đồng, tăng thêm 2 tỷ đồng.

“Với số tiền tăng thêm, DN sẽ có nguồn thu bổ sung để bù vào việc giá nguyên liệu tăng mạnh, đồng thời chi trả thêm tiền lương và duy trì các hoạt động của DN trong điều kiện khó khăn”, ông Dũng nói và cho biết, hiện các nhà nhập khẩu hàng dệt may có xu hướng lựa chọn những DN từ Trung Quốc, Ấn Độ do cung cấp giá rẻ hơn. Đặc biệt, đồng EUR và bảng Anh mất giá mạnh nên DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu rất chật vật.

Cũng theo ông Dũng, nếu như xuất sang thị trường Mỹ, DN chỉ tăng được một chút nhờ chênh tỉ giá, còn xuất sang thị trường châu Âu, DN phải bù lại gấp mấy lần. Trong những ngày này, chúng tôi rất đau đầu, phải tính toán kỹ để cân đối lại bài toán thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá USD tăng cao các DN thủy sản được hưởng lợi, khi phần lớn các giao dịch hiện đều thanh toán bằng USD. Trong 9 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường chính của DN xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, các DN thủy sản đang đối mặt cùng lúc 2 sức ép, đó là giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh với sản phẩm nước khác, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.

“Giá USD tăng cao khiến DN phải trả thêm một khoản khi nhập nguyên liệu, vì thế giá thành thủy sản của Việt Nam leo thang. Hiện, sức mua của người tiêu dùng tại những thị trường tiêu thụ lớn đã giảm đáng kể nên trong những tháng cuối năm, ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn và dự báo sẽ giảm nhiệt”, ông Hòe nói.

Đa dạng hóa đồng tiền thanh toán

Theo nhiều DN, trong bối cảnh các nước đều giảm giá mạnh đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu, việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỉ giá giao ngay giữa VND với USD từ +/-3% lên +/-5% từ ngày 17/10 là hoàn toàn đúng đắn, giúp các DN xuất khẩu “dễ thở”. Song việc tỉ giá biến động mạnh, các DN nhập khẩu sẽ chịu tác động trước tiên. Đặc biệt, đối với những DN đang vay USD và phải trả nợ trong thời điểm này sẽ chịu áp lực lớn. Nhiều DN đã ghi nhận lỗ do chênh lệch tỉ giá rất lớn.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Lộc Trời cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, DN đã lỗ chênh lệch tỉ giá lên tới 42 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty May Thành Công lỗ tỉ giá gần 29 tỷ đồng (gấp gần 3 lần so với cùng kỳ)…

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các DN xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỉ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.

Theo ông Nghĩa, DN nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD. Đối với DN lớn kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, cần lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.

“DN có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được ổn định và ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào”, ông Nghĩa nói

* Ngay sau khi NHNN nới biên độ và tăng tỉ giá trung tâm, giá mua/bán USD tại các ngân hàng lập tức áp sát mức trần mới. Ngày 18/10, tỉ giá trung tâm tiếp tục tăng lên 23.637 đồng, tăng 97 đồng so với cuối tuần trước. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn là 22.455 đồng và giá trần là 24.818 đồng/USD. Trên thị trường tự do ngày 18/10, giá USD lên ngưỡng mới: 24.500 - 24.650 đồng/USD (mua vào- bán ra).

*Bình luận về điều hành tỉ giá của NHNN, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân Hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc nới biên độ giao dịch VND/USD phù hợp với thực tế thị trường. Thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất của Việt Nam. Việc nới biên độ giao dịch VND/USD sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế nhưng trong tầm kiểm soát. Cán cân thương mại của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

*TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế của Việt Nam mở nên chịu sức ép từ thế giới. Những tháng cuối năm 2022, trước biến động của đồng USD, DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, DN cần phải theo sát tình hình, chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.

Quỳnh Nga - Việt Linh


Tác giả: Dương Hưng

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Bếp từ chung cư miniĐại lý máy lạnh 4 ngựa giá tốt nhất
Đang phổ biến