Mỹ vừa công bố số liệu về hoạt động xây dựng nhà gây thất vọng. Năm ngoái, lĩnh vực nhà ở của Mỹ là trụ cột sức mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới khi nó lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sức mạnh đó tiếp tục suy giảm khi giá hàng hóa kéo hoạt động xây dựng đi xuống.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, số lượng nhà khởi công giảm 1,6% xuống 1,55 triệu căn vào tháng trước, thấp hơn kỳ vọng ở mức 1,61 triệu đơn vị.
Mặc dù giá cao, theo các chuyên gia, mấu chốt của vấn đề ở đây là nguồn cung vật liệu xây dựng và nhân công để xây nhà.
Trong khi đó, giấy phép xây dựng - cơ sở cho các dự án trong tương lai - đã giảm 7,7% xuống còn 1,589 triệu giấy phép trong tháng 9, giảm so với tổng số 1,721 triệu giấy phép tháng 8.
Đồng USD giảm khá mạnh với những thông tin kinh tế không tích cực từ nước Mỹ.
Đồng bạc xanh giảm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm về 1,58%.
Dự báo giá vàng
Mặc dù tăng nhưng vàng được dự báo chịu nhiều áp lực. Mặt hàng kim loại quý chưa hút lực mua lớn khi nhà đầu tư đang hướng tới thị trường tiền số. Đồng Bitcoin hiện đã chạm đỉnh mọi thời đại 63 nghìn USD/BTC và được dự đoán có thể sớm lên mức 70 nghìn USD.
Hiện vàng chịu áp lực lớn trước ngưỡng cản 1.801,9 USD/ounce. Đây cũng là mức cao nhất ghi nhận trong tuần trước. Ở chiều ngược lại, vàng được hỗ trợ khá mạnh ở ngưỡng 1721,1 USD/ounce.
Vàng sẽ diễn biến tích cực trong thời gian tới khi và chỉ khi có sự sụt giảm mạnh hơn nhiều của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc USD. Mối lo ngại về lạm phát chỉ có thể hỗ trợ vàng nếu lợi tức kho bạc Mỹ không tăng. Nếu lợi suất tăng cao hơn để bù đắp lạm phát thì vàng lại chịu tác động theo chiều ngược lại.
Các chính sách tài chính và tiền tệ tại Mỹ hay trên toàn cầu đều không còn ủng hộ vàng nữa. Khi mà chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo sắp kết thúc và các biện pháp kích thích tài khóa dần bị thu hẹp, đầu tư vào vàng sẽ giảm xuống.
Tác giả: V. Minh