Dòng sự kiện:
Giá vàng tăng không ngừng, vì sao?
16/04/2024 08:54:12
Sáng nay (16/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước đều tăng theo giá thế giới. Giá vàng miếng xoay quanh mốc 84 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn trên 77 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 82,1 - 84,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng so với sáng sớm qua.

Tập đoàn Doji niêm yết 81,8 - 84,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng nhẫn cũng tăng lên từ 76 - 77 triệu đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu. Theo đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 75,28 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 330.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Giá vàng miếng SJC duy trì mốc trên 84 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết 75,55 - 77,45 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn niêm yết 74,6 - 76,5 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức 2.381 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với sáng qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Nhật Minh - chuyên gia từ Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho rằng, giá vàng thế giới tăng mạnh bởi các nguyên nhân sau.

Thứ nhất, sau khoảng thời gian dài thắt chặt tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu sẽ bắt đầu giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong năm 2024. Mặc dù lạm phát tại Mỹ gần đây tăng đã làm giảm khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất, tuy nhiên về dài hạn, lãi suất của Mỹ sẽ có xu hướng hạ nhiệt để kích thích tăng trưởng kinh tế khi đã liên tục neo ở mức cao kỷ lục trong hơn 20 năm qua. Điều này có thể khiến tiền được bơm vào nền kinh tế nhiều hơn, từ đó khiến giá tài sản (trong đó bao gồm cả vàng) có xu hướng tăng giá trước, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư.

Thứ hai, nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC). Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), nhu cầu vàng toàn cầu năm 2023 (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) giảm xuống còn 4.448,4 tấn, giảm 5,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, khi gộp cả nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC) và các nguồn khác, tổng nhu cầu về vàng đã tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới là 4.899,8 tấn, cao hơn năm 2022 khoảng 3,1%. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… liên tục mua và tích trữ vàng số lượng lớn trong thời gian qua.

Thứ ba, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành chuyển dự trữ vàng vật lý của mình về nước nhằm tránh nguy cơ bị áp đặt các biện pháp cấm vận giống như của Nga đối với tài sản ở nước ngoài... Theo đó, do lo ngại về việc Mỹ cũng như các nước phương Tây đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài nhằm phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương đã chọn cách mua và dự trữ vàng vật lý nhiều hơn.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), dự trữ vàng của nước này tiếp tục tăng trong tháng 3. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp kể từ tháng 11/2022 nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bổ sung vàng vào kho dự trữ.

PBOC thông báo rằng, lượng vàng do ngân hàng trung ương này nắm giữ đã tăng lên 72,74 triệu ounce (tương đương 2.263 tấn) trong tháng 3/2024, tăng so 72,58 triệu ounce (2.257 tấn) hồi tháng 2. Giá trị vàng dự trữ tăng từ 48,64 tỷ USD lên 61,07 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lại liên tục bán mạnh trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ xuyên suốt năm 2023. Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 19/12/2023, lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 769,6 tỷ USD trong tháng 10, đánh dấu mức giảm tháng thứ bảy liên tiếp.

Là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, giá trị trái phiếu Kho bạc Mỹ nắm giữ của Trung Quốc trong tháng 10 năm 2023 đã giảm 8,5 tỷ USD so với tháng 9. Đây là tháng thứ 19 liên tiếp lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ ở mức dưới 1 nghìn tỷ USD. Tổng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc đã giảm tổng cộng 97,5 tỷ USD trong năm 2023.

Việc bán mạnh trái phiếu Kho bạc Mỹ và tích cực thu mua vàng của Trung Quốc phần nào khiến lượng cung USD ra thị trường tăng mạnh trong khi nhu cầu về vàng của quốc gia đông dân nhất thế giới này kéo giá kim loại quý này gia tăng.

Ngoài ra, ông Minh cho rằng, xung đột địa chính trị vẫn diễn ra căng thẳng trên phạm vi toàn cầu khiến nhu cầu và giá của các loại tài sản trú ẩn, trong đó có vàng liên tục gia tăng. Cuộc xung đột của Nga - Ukraine và mới đây nhất là xung đột tại khu vực Trung Đông giữa Iran và Israel vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, ông Minh nhận định, giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước cũng tăng theo về trung và dài hạn.

Tác giả: Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến