Dòng sự kiện:
Giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng dù thị trường ảm đạm
25/03/2023 15:33:42
Năm qua, thị trường vẫn xuất hiện làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng dù sức tiêu thụ không tốt. Vietnam Report dự báo còn nhiều áp lực tăng giá trong năm nay.

Báo cáo mới nhất về thị trường vật liệu xây dựng của Vietnam Report cho hay điểm nhấn nổi bật trong năm qua là làn sóng tăng giá, trong đó có những mặt hàng ghi nhận mức tăng vượt đỉnh.

Điển hình như giá thép xây dựng có thời điểm lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021.

Trong năm ngoái, giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh mức 14 triệu đồng/tấn. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng lớn.

Theo Vietnam Report, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96% trong năm ngoái. Tuy nhiên, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải... tăng cao và khan hiếm, dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.

Tương tự, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng giá cao nhất, lên đến 7,2%. Điều này góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 1,4 điểm phần trăm.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 60% số doanh nghiệp ghi nhận tổng chi phí tăng lên so với năm trước, cao hơn so với tỷ lệ tăng lên của chi phí giai đoạn 2020-2021 (50%), tương đương tăng 10%.

Giá nguyên liệu sản xuất và giá bán thép xây dựng giai đoạn 2020-2022. Ảnh: Vietnam Report.

Trong khi đó, nhu cầu xây dựng ảm đạm tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khiến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong năm qua gặp khó.

Đối với trong nước, sự trầm lắng của thị trường bất động sản do tín dụng ngành này bị siết chặt khiến thị trường vật liệu xây dựng cuối năm ngoái với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... rơi vào cảnh khó khăn.

Điều này làm cho lượng hàng tồn kho ngày càng tăng cao. Đơn cử như xi măng, năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành vẫn tiêu thụ 101 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, năm 2022, sản lượng tiêu thụ nội địa sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 62,68 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021 và tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%. Với gạch ốp lát, các nhà máy cũng phải giảm sản lượng khoảng 30-50%.

Dù vậy, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng vẫn dự báo giá vật liệu xây dựng trong năm nay sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong năm nay. Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp.

Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành vật liệu xây dựng trong năm nay, đa số doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Cụ thể, trên thang điểm 5, lĩnh vực xi măng đạt 2,8 điểm trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,9 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3 điểm.

Tác giả: Liên Phạm

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến