Trầy trật cầm cự suốt nhiều tháng qua khi giá xăng dầu tăng phi mã, nhưng cước vận tải thì gần như không thể tăng bởi nhu cầu thị trường giảm mạnh do Covid-19, vì vậy, mỗi lít xăng dầu giảm tới 3.000 đồng như hiện nay là niềm động viên lớn đối với ông Trương Xuân Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Group (sở hữu hãng taxi tải Việt Hiếu) cùng cán bộ, nhân viên trong công ty. Với lượng tiêu thụ trên 20.000 lít xăng dầu mỗi tháng, việc giá nhiên liệu giảm như vậy có thể sẽ giúp hệ thống vận tải hàng hóa của công ty tiết giảm được khoảng 70 triệu đồng chi phí trong 1 tháng; tuy nhiên, nỗi lo vẫn đang thường trực.
"Đấy là tôi mới chỉ nhẩm tính, quan trọng có giảm được 30 ngày không, hay chỉ được vài hôm xong lại tăng lên thì rất khổ. Việc giảm này là do chính sách trợ giá của nhà nước chứ bản chất nó vẫn chưa có tính bền vững vì giá dầu thế giới đang không ổn định, nên cũng chưa biết sẽ như thế nào" - ông Hiếu cho biết.
Các hãng vận tải thời gian qua phải bù lỗ để hoạt động cầm chừng do nhu cầu thị trường giảm
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe khách Sao Việt), kể từ khi mở cửa, phục hồi sau dịch, đến nay, 50 xe giường nằm chở khách của hãng đã khôi phục được 70% công suất. Nhưng thực chất với giá xăng dầu như hiện nay, kể cả sau khi đã giảm 3.000 đồng/lít thì cũng chỉ an ủi được phần nào, vì chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến Hà Nội – Sa Pa vẫn rất cao, vào khoảng 6 triệu đồng, gấp đôi so với năm trước.
"Nếu tới đây trình Quốc hội thông qua được việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng thì cũng góp phần tích cực vào việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Song song với chính sách hỗ trợ, tôi cũng hy vọng rằng giá xăng dầu thế giới đi ngang thì mới giữ cố định được, chứ tiếp tục biến động tăng thì lại phải điều chỉnh" - ông Bằng bày tỏ.
Kể từ đầu năm đến nay, tổng cộng có tới 18 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Tính trung bình cứ 10 ngày lại điều chỉnh 1 lần.
Theo ông Nguyễn Minh Công, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai, giá xăng dầu biến động thất thường, không giữ được bình ổn cũng là yếu tố khiến nhóm doanh nghiệp vận tải khó có thể hoạt động ổn định vì nhiên liệu chiếm tới 35 – 40% chi phí đầu vào.
Chi phí nhiên liệu quá đắt đỏ, khiến nhiều hãng xe khách càng chạy càng lỗ
"Đối với giá cước vận tải nói chung và giá vé vận tải hành khách nói riêng, trong trường hợp doanh nghiệp muốn điều chỉnh quá 5% thì phải kê khai lại giá; mà muốn kê lại giá thì theo quy định phải thông qua 2 cơ quan là Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính. Chính vì thế, nếu như giá xăng dầu cứ khoảng 10 ngày lại biến động 1 lần thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì họ không cách nào chạy theo được" - ông Công cho biết.
Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Giá xăng dầu dù giảm nhưng vẫn cheo leo ở mức cao, cộng thêm nhiều loại hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng giá, khiến người dân vùng cao đã khó lại càng thêm khó.
Theo ông Nguyễn Minh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách số 1 Sơn La, hơn 200 phương tiện vận tải khách của công ty chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển nội tỉnh, nên doanh nghiệp thấu hiểu sâu sắc những vất vả của bà con. Nhiều người dân vùng cao giá cả chỉ hơn nhau vài nghìn đã khiến họ phải lăn tăn lựa chọn. Đây cũng là lý do chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ doanh nghiệp mới phải điều chỉnh giá vé.
Ông Thư cũng cho biết thêm: "Doanh nghiệp mong muốn giá xăng dầu nếu có thể tiếp tục giảm thì càng tốt, nếu không chúng tôi cũng kỳ vọng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính giữ ổn định mức giá này từ nay đến cuối năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như chia sẻ với người dân, để họ sử dụng dịch vụ vận tải được thuận tiện hơn"./.