Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt tính từ mốc 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất 1/3, làm cho giá xăng RON 95 tăng 3.537 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 3.521 đồng/lít lên mức 26.830 đồng/lít, mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong bối cảnh thị trường vận tải vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.
Khó khăn, khó khăn và khó khăn
Không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Thanh Hóa cho hay các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào giai đoạn hết sức khó khăn với áp lực đến từ nhiều phía khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
“Hơn hai năm nay, các doanh nghiệp vận tải đã kiệt sức vì dịch Covid-19 kéo dài. Với việc chi phí xăng dầu chiếm đến 30-40% chi phí của doanh nghiệp do đó việc giá xăng dầu tăng cao chẳng khác nào cú đánh bồi khiến hoạt động của doanh nghiệp gần như “đóng băng” và thậm chí có những đơn vị đã đến bờ vực phá sản”, ông Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho biết hiện nay do đang trong giai đoạn phục hồi hoạt động vận tải nên lượng khách rất hạn chế đặc biệt kể từ sau Tết Nguyên đán với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương miền Bắc nên lượng khách càng suy giảm mạnh. Người dân hạn chế nhu cầu đi lại và cũng ưu tiên sử dụng các phương tiện cá nhân nhiều hơn thay vì sử dụng các phương tiện vận tải lớn.
“Nhiều nhà xe xác định nằm chờ vì hoạt động không hiệu quả, những đơn vị còn hoạt động cũng chỉ duy trì được 20-30% công suất bình thường. Chúng tôi cũng đã tính đến việc tăng giá cước nhưng tăng giá cước thì lượng khách đi sẽ càng giảm nữa như vậy khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Mà thực tế nếu có tăng giá cước cũng không thể bù lại nổi chi phí vì ngoài giá xăng dầu thì các chi phí khác của doanh nghiệp cũng đang tăng theo”, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Thanh Hóa bộc bạch.
Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. (Ảnh: Trọng Tùng)
Đối mặt với tình trạng tương tự, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc điều hành Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, cho biết dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. “Thực tế cho thấy ngành vận tải hành khách đường bộ bị tê liệt trong suốt 2 năm vừa qua và cho tới thời điểm này vận tải hành khách tuyến cố định và taxi vẫn chỉ được phục vụ 50% số chỗ ngồi. Đặc biệt do tâm lý người dẫn vẫn e ngại chưa sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng nên số xe hoạt động hiện chỉ đạt 60%”, ông Hùng nói.
Đặc biệt, ông Hùng cũng chia sẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh với thời gian giãn cách quá dài trước đó nên đã dẫn đến đứt gãy chuỗi lao động, các doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty quốc tế Delta, chia sẻ với mức tăng của giá nhiên liệu hiện nay thì giá cước phí vận tải đường bộ đáng lẽ phải tăng thêm 8% thì mới đảm bảo cho doanh nghiệp không bị lỗ nhưng thực tế do các hợp đồng đã ký kết nên doanh nghiệp phải chấp nhận giữ nguyên mức cước phí.
Tuy nhiên ông Nghĩa cũng cho biết, nếu giá xăng tiếp tục đà tăng thì việc điều chỉnh tăng giá cước là việc không thể tránh khỏi và doanh nghiệp bắt buộc phải làm như vậy trong các hợp đồng tiếp theo.
Theo ông Nghĩa, một trong những nỗi lo của doanh nghiệp nữa là nếu xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo nhiều hệ luy gián tiếp đối với các doanh nghiệp.
“Xăng dầu tăng sẽ làm cho lạm phát tăng cao. Từ đó, chi phí lao động, chi phí vốn, lãi vay ngân hàng và một loạt các chi phí kèm theo cũng sẽ theo đà mà tăng lên. Trong khi, các doanh nghiệp đã chật vật trong suốt hơn 2 năm vừa qua thì chính những khoản tăng đó sẽ “nhấn chìm” doanh nghiệp”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Hiện nay các doanh nghiệp vận tải vẫn phải gánh các loại chi phí, nếu không tăng giá cước sẽ không thể tồn tại được. (Ảnh: Trọng Tùng)
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ gì?
Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc điều hành Công ty CP Mai Linh Miền Bắc nhấn mạnh xăng dầu là huyết mạch của vận tải và muốn khôi phục ngành vận tải thì phải có sự đồng lòng của nhiều bên.
“Đối với doanh nghiệp vận tải những lúc cao điểm như mùa lễ, tết thì phải bình ổn giá, không được tăng giá nhưng đến nay xăng dầu mặc dù có quỹ bình ổn giá nhưng vẫn tăng. Chính điều đó đang làm đứt gãy các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ để khôi phục sản xuất.
Do đó, chúng tôi kiến nghị cần xem lại quỹ bình ổn giá hoạt động có hiệu quả hay ko? Kể từ khi thành lập đã thu và chi bao nhiêu cho vc giữ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch”, ông Hùng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị giảm thuế, phí và đặc biệt là giảm hoặc tạm dừng thu 4000đ/lít xăng E5 và 3.800đ/lít xăng ron 92 để giảm giá xăng thì sẽ ổn định. Bởi cả hai loại xăng đều là xăng nhiên liệu sạch.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận định: "Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu trên thế giới. Theo dự báo trên thế giới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng, do đó các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tiếp tục chịu sức ép rất lớn. Việc giá xăng tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cước phí vận tải và rộng hơn nữa là giá của các sản phẩm, mặt hàng khác".
"Chúng ta có một quỹ bình ổn giá và thời gian qua nhờ sử dụng Quỹ nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên Quỹ bình ổn này cũng chỉ có thể bình ổn ở một mức độ nhất định chứ không thể quá nhiều nếu chiều hướng giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng", TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Ông Doanh cũng đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực.
Các doanh nghiệp vận tải rất cần sự hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó này. (Ảnh: Trọng Tùng)
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong vận tải ô tô, nhiên liệu luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với 35 - 40% trong giá thành vận tải.
Giá nhiên liệu tăng đương nhiên tạo thêm áp lực, khó khăn cho vận tải ô tô. Tuy nhiên, với vận tải hàng hóa, khi nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn ổn định, chủ hàng cũng dễ dàng chấp nhận việc giá cước biến động theo chiều hướng tăng; còn trong vận tải hành khách thì đây là một khó khăn kép khi mà nhu cầu đi lại còn chưa kịp phục hồi.
Sau nhiều lần tăng, hiện giá xăng dầu trong nước là khoảng hơn 13% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% trong tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải, nên dự đoán doanh nghiệp sẽ tăng giá cước khoảng 4 - 5% để bù đắp vào chi phí hoạt động.
“Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. Giá xăng dầu lại tăng, nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch”, ông Quyền nói. “Giá cước tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này”.
Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Quyền cho biết đối với nhóm chính sách về cho phép kéo dài thời hạn kiểm định xe, giảm phí giao thông thu trên đầu phương tiện thì các đơn vị vận tải đã được thụ hưởng. Tuy nhiên, mức giảm phí thu trên đầu phương tiện là 30% đối với vận tải khách là quá thấp so với mức giảm hoạt động giảm số khách được chở trên xe và khó khăn mà các đơn vị vận tải khách phải đón nhận.
Về các chính sách, giảm 30% thuế VAT cho doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội là tốt cho các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải hàng hóa đã được thụ hưởng nhưng chỉ trong 2 tháng (01/11/2021- 31/12/2021) là quá ngắn so với ảnh hưởng của dịch bệnh; còn các doanh nghiệp vận tải khách thì hầu như phải dừng hoạt động nên không phát sinh VAT.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, khi thực hiện mỗi địa phương lại triển khai theo cách khách nhau như; trong đó có các điều kiện như doanh nghiệp phải nộp hết số Bảo hiểm xã hội còn nợ nên nhiều doanh nghiệp vận tải không đủ điều kiện thụ hưởng vì còn nợ Bảo hiểm xã hội.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy