Dòng sự kiện:
Giấc mơ thoát nghèo ở bản vùng cao xứ Thanh
11/02/2024 10:39:00
Được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở bản Cha Khót đã nhiều thay đổi, song vẫn còn đó nhiều thách thức.

Đi lên từ gian khó

Bản Cha Khót nằm sâu trong núi, cách trung tâm xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) chừng 10km, được bao bọc bởi những cánh rừng sâu thăm thẳm, quanh năm mây mù bao phủ. Những ngày đầu đông, vùng núi này lạnh giá hơn bao giờ hết. Ban ngày, nắng vẫn vàng ươm, nhưng đêm đến, sương giăng khắp lối, cái rét kéo về tê tái.

Bên bếp lửa, câu chuyện về sự vượt khó của bản Cha Khót mới hiện dần lên qua lời tâm sự của già làng Vi Văn Hợi, người đã có gần 24 năm bảo vệ đường biên cột mốc.  

Cô và trò ở điểm trường Cha Khót

Theo dòng suy tưởng của già Hợi, tôi đã gần như chứng kiến những năm đói kém của bản Cha Khót. Nhiều năm trước, bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Người dân sống tự cung, tự cấp. Họ tự trồng lúa nương,  trồng sắn làm lương thực, lên rừng hái măng, bắt thú rừng làm thức ăn. Không điện, không đường giao thông, rất ít đứa trẻ được đến trường, mỗi khi có người ốm đau, việc đưa ra trạm xá cũng rất vất vả...Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cái nghèo đeo bám từng ngôi nhà không lối thoát. 

“Đảng và Nhà nước không để bản Cha Khót sống lầm lũi trong bóng tối mãi. Điện được kéo lên bản, sáng trưng cả núi rừng. Đường giao thông cũng được nối đến bản, giúp những đứa trẻ đến trường theo con chữ. Và nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với đồng bào giúp đời sống của chúng tôi thay đổi. Dù đã nhiều bước tiến so với những năm trước đây, nhưng Cha Khót vẫn còn lắm gian truân”, già Hợi chia sẻ. 

Đến thăm lớp học ở bản, tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh cô trò ê a đánh vần trong lớp học đơn sơ. Ở điểm trường mầm non, hằng ngày cô giáo Vi Thị Phấn, Lữ Thị Nưng, Trường Mầm non Na Mèo lặn lội vào bản để dạy học cho các các em. Điểm trường có duy nhất 1 phòng học với tổng số 15 em, độ tuổi từ 2 đến 5. Cơ sở vật chất điểm lẻ chưa đáp ứng việc nấu ăn bán trú. Vất vả là thế nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, cô Phấn và cô Nưng luôn “bám lớp, bám bản”.

Ngay cạnh điểm trường mầm non là điểm trường Cha Khót, Trường Tiểu học Na Mèo. Điểm trường có 2 lớp học với 5 trình độ do cô giáo Hà Thị Hằng và Vi Thị Chuyên, quê xã Trung Hạ lên Na Mèo dạy học. Cô Hà Thị Hằng dạy lớp 2 và lớp 4, còn cô giáo Vi Thị Chuyên dạy lớp 1, 3, 5. Hôm chúng tôi đến, lớp cô Hằng có 5 học sinh, còn lớp cô Chuyên có 10 học sinh theo học. Chiếc bảng được cô Chuyên và cô Hằng chia đều để tiện dạy học cho mỗi lớp và bàn học cũng được sắp xếp thành 2, 3 nhóm lớp cho thuận tiện việc giảng dạy.

Theo phó bản Cha Khót Lữ Văn Năm, trong bản có ít em theo học đến đại học, chủ yếu học xong THCS, THPT rồi đi làm hoặc về nhà lấy chồng, lấy vợ. Nguyên nhân cũng bởi đời sống của bà con còn khó khăn, nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế về việc cho con cái đến trường theo học con chữ. Đường đến trung tâm xã xa xôi, nhất là vào mùa mưa bão hoặc mùa đông giá rét, các em đi học sẽ rất vất vả, vì vậy dù điểm trường mầm non, tiểu học của bản còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu các thiết bị dạy học thì nguyện vọng của bà con vẫn mong muốn con em được học tập tại bản.

Nhờ thụ hưởng nhiều chính sách

Những năm qua, Cha Khót đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước như đầu tư, sửa chữa nhà văn hóa và các công trình phụ trợ nhà văn hóa; đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ đa dạng sinh kế như mua bò giống sinh sản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Ngoài ra, bản nhận được sự quan tâm của các tổ chức thiện nguyện như cải tạo, sửa chữa điểm trường mầm non Cha Khót của công đoàn Cục Hải quan Thanh Hóa; Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo hỗ trợ 1.000 con gà giống cho các hộ trong bản...

Bản Cha Khót có 53 hộ, 216 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Cả bản có 53 hộ thì vẫn còn 40 hộ nghèo. Cha Khót vẫn là bản đặc biệt khó khăn của xã Na Mèo. Bà con chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ, làm nan, nứa, vầu và chăn nuôi, trông coi bảo vệ rừng. Bản chỉ có 10,08 ha lúa nước, một năm trồng 2 vụ, còn lại chủ yếu bà con nhận gạo hỗ trợ từ việc khoán, bảo vệ, chăm sóc rừng. 

Chương trình “Trao con giống niềm tin” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên thoát nghèo

Ông Phạm Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: Vẫn còn một bộ phận đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước không chịu vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu đất sản xuất. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con mong muốn các cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với một phần đất rừng do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đang quản lý, bảo vệ để tạo điều kiện cho địa phương bố trí đất sản xuất và ổn định đời sống. Nguyện vọng của bà con đã được Bộ Quốc phòng ủng hộ chủ trương, hiện nay, các cấp có thẩm quyền đang thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng bà con bản Cha Khót tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại; tuyên truyền, vận động thanh niên trong độ tuổi đi xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện bản có 10 thanh niên đi xuất khẩu lao động.

Xã cũng tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho bà con phát triển rừng để người dân có thu nhập tốt hơn từ việc quản lý, bảo vệ, khai thác lâm sản phụ từ rừng. Thực hiện tốt và đảm bảo các nguồn vốn vay, hướng dẫn sử dụng vốn một cách hiệu quả. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bảo vệ rừng, trồng trọt, chăn nuôi và kỹ năng buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình. 

Tin rằng, tới đây, với những nguồn lực được triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS miền núi, đồng bào Cha Khót sẽ phát huy được nội lực, tinh thần vượt khó để vươn lên thoát nghèo, góp sức xây dựng quê hương.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến