Dòng sự kiện:
Giải bài toán khó khi sửa Luật Các tổ chức tín dụng
27/03/2023 15:33:30
Luật Các tổ chức tín dụng đang được gấp rút sửa đổi. 1 trong những chính sách mới vẫn đang là bài toán nan giải chính là cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tham gia xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Quá tam ba bận

Theo Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2023 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).

Tại hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2023 vừa qua, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 nhóm chính sách, trong đó có chính sách mới thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy nhiên, liên quan mật thiết đến nội dung này, đề xuất về cơ chế bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho người tham gia xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đã không nhận được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

Nội dung của chính sách là “cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định tham gia phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện phương án cơ cấu lại trừ trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, cơ chế bảo vệ hay miễn trừ trách nhiệm pháp lý, các trách nhiệm có liên quan đến thực hiện công việc hay miễn trừ trách nhiệm pháp lý đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động…

Vì vậy, việc thực hiện công việc của các tổ chức tín dụng cũng được bảo vệ theo các quy định này. Việc quy định cơ chế bảo vệ khác biệt, không rõ tiêu chí, điều kiện tạo ra sự phân biệt, đối xử, không bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đây là nội dung mới, chưa từng có tiền lệ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lại chưa làm rõ được nội hàm, mục tiêu, nội dung của chính sách, chưa nêu được các điều kiện cụ thể, các tác động của chính sách này với các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, nội dung chính sách chưa bảo đảm được tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách.

Tại hội thảo vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án luật) tổ chức, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban, người rất am hiểu về hoạt động ngân hàng cho rằng, cơ chế miễn trừ trách nhiệm rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện tại.

Nhìn lại cả quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, vị chuyên gia này thông tin, quy định này năm 2010 (lần đầu ban hành Luật) đến Quốc hội là dừng, đến năm 2017 (sửa Luật lần thứ nhất) cũng đã rất cố gắng tìm cách đưa vào, thì ra đến Quốc hội cũng không thể thông qua được.

Trong khi đó, tại hội thảo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đều nhấn mạnh rằng, việc thiếu cơ chế bảo vệ hay miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho những người tham gia xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là khoảng trống ở cả Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. Và việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này là cơ hội tốt để lấp dần khoảng trống đó. Đồng thời, các chuyên gia WB khuyến nghị, cần nhanh chóng sửa Luật Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Không được bảo vệ thì có thể không hành động

“Vậy quy định liên quan đến miễn trừ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân tham gia xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quan trọng đến mức nào, trên thế giới có nước nào không có quy định này không, nếu không có thì hậu quả sẽ đi đến đâu?”, ông Dương Quốc Anh đặt câu hỏi với chuyên gia giám sát cao cấp của WB.

Câu trả lời là, chỉ có một vài nước, trong đó có Mông Cổ, chưa có cơ chế miễn trừ trách nhiệm. Về tầm quan trọng của cơ chế này, chuyên gia của WB nói rằng, khi có ngân hàng nào đó rơi vào tình trạng căng thẳng, thì có thể cần đến những cách thức cực đoan, bao gồm cả việc thay đổi ban giám đốc. “Trừ phi có biện pháp bảo vệ, thì rất ít người được phân công xử lý có hành động mang tính quyết liệt như vậy, bất cứ nước nào cũng thế”, chuyên gia WB nhấn mạnh.

Vị này cũng cho biết, WB hoạt động ở nhiều nước khác nhau nhau, thì thường thấy cơ chế bảo vệ không đủ và đó là vấn đề pháp lý rất lớn. Khi cơ chế không đủ, thường là quản lý cấp cao không sẵn sàng hành động vì lo ngại hậu quả về pháp lý mà họ có thể vướng phải về hình sự hoặc dân sự. “Họ cần được bảo vệ khỏi rủi ro đó, khi họ không cố tình vi phạm”, chuyên gia WB khuyến nghị.

Đề cập khái quát hơn, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nhìn nhận, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đều không có quy định bảo vệ cán bộ, công chức thực hiện giám sát, như miễn trừ trách nhiệm với các kiện cáo khi hành động của họ là thực hiện đúng theo chức trách.

Nếu cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện công vụ của mình, phải đối diện với những rủi ro về chịu trách nhiệm hình sự, thì có thể thay đổi cách thức họ làm việc. Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện trách nhiệm giám sát rủi ro, bao gồm cả những can thiệp sớm, có quyết định tác động đến hội đồng quản trị, thì việc có quy định về bảo vệ pháp lý với Ngân hàng Nhà nước càng thiết yếu hơn nữa.

Bà Carolyn Turk nhấn mạnh, một khi Ngân hàng Nhà nước được trang bị thẩm quyền toàn diện hơn để giải quyết căng thẳng, đổ vỡ tài chính, ổn định định chế tài chính, thì việc thiếu quy định bảo vệ trước những rủi ro sẽ khiến họ ra quyết định chậm hoặc quyết định yếu kém, thậm chí trong trường hợp tồi tệ hơn là sẽ không có hành động nào. Việc có cơ chế bảo vệ về mặt pháp lý rất quan trọng để thực hiện hiệu quả, độc lập các chức năng của Ngân hàng Nhà nước.

Cho biết, dự kiến năm 2024 sẽ sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhìn nhận, đây cũng là dịp để đưa thông lệ tốt của quốc tế vào luật. Với Luật Các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Kim Anh cho hay, năm 2017, khi sửa luật này đã đặt ra cơ chế miễn trừ trách nhiệm, nhưng chưa được sự đồng thuận cao, và lần này “hy vọng được đồng thuận của các cơ quan liên quan thì sẽ thuận lợi hơn”.

Nhấn mạnh cơ chế bảo vệ cán bộ là vấn đề rất khó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, tiếp tục nghiên cứu để cán bộ tự tin thực hiện nhiệm vụ, cũng là giúp cho nền kinh tế an toàn, lành mạnh.

Trong phiên họp tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tạo cơ chế tiếp nhận cán bộ trở lại

Liên quan đến công tác cán bộ, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu vướng mắc khi Điều 33, Luật Các tổ chức tín dụng quy định, các đối tượng không được là kế toán trưởng, giám đốc chi nhánh, giám đốc công ty con của tổ chức tín dụng gồm có cả cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng.

Nhưng trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã cử/chỉ định một số trường hợp là công chức hoặc các nhân sự lãnh đạo cấp phòng trở lên tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tham gia tái cơ cấu và giữ các chức vụ trong hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Để tạo hành lang pháp lý cho việc cử/chỉ định và tiếp nhận trở lại đơn vị cũ khi đã hoàn thành công tác, cần có quy định ngoại lệ với quy định tại Điều 33, Luật Các tổ chức tín dụng đối với nhóm đối tượng nêu trên.

Tác giả: Nguyễn Lê

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến