Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022.
“Cử tri có ý kiến cho rằng bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch; tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã lắng xuống, cử tri đề nghị Nhà nước có giải pháp mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản trong phạm vi cả nước”, kiến nghị của cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về vấn đề này, NHNN cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý; nguồn vốn chỉ là một trong các vướng mắc và tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn cho thị trường BĐS. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương.
Về phía ngành ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN luôn chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong nhiều năm qua và năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản luôn chiếm khoảng 19% - 21% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Đến cuối năm 2022, dư nợ tín đụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng 24%, trong đó dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng gần 24,03%, đều ở mức cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Năm 2023, NHNN đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước, ở mức 14-15%; có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có BĐS.
Đồng thời, tại Hội nghị về tín dụng bất động sản ngày 8/2/2023, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD,...
Kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng. Báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án BĐS trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý trong triển khai thực hiện dự án,..
Nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Sau Hội nghị, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất sẽ dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở xã hội Để tháo gỡ một số điểm nghẽn trong lúc chờ sửa Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cụ thể, với quy định về chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở xã hội. Theo Bộ Xây dựng, hiện Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép đơn vị này đầu tư nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là tổ chức có nguồn lực tài chính, từng thực hiện dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương. Ví dụ, dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) có quy mô 4,04ha với 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 300 căn hộ; dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) quy mô 3,05ha với 998 căn hộ, đang được triển khai đầu tư xây dựng. Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động, hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Hai năm trước, cơ quan này cũng từng kiến nghị với Chính phủ để tham gia xây nhà ở xã hội. Về chính sách đất đai, Bộ Xây dựng cũng đưa nhiều đề xuất nhằm giảm bớt thủ tục hành chính như giao đất làm nhà xã hội mà không thu tiền sử dụng. Điều này để khắc phục thực tế nhiều chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất vẫn bị yêu cầu xác định số tiền rồi mới làm thủ tục, dẫn đến doanh nghiệp mất 1-2 năm cho loại quy định này. Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ có đầy đủ quyền như tổ chức trong nước được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư được giao đất không phải đóng tiền sử dụng đất thì khi dự án hoàn thành không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng - tức không được bán nhà. Điều này sẽ hạn chế người có nhu cầu tiếp cận, sở hữu nhà ở xã hội. Cũng theo dự thảo nghị quyết, Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở làm nhà xã hội. Hiện các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội theo tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này có nhiều điểm bất hợp lý. Ví dụ, tại một số địa phương có quỹ đất dồi dào, giá rẻ, người dân chưa có thói quen ở nhà chung cư, chưa có nhu cầu về nhà ở xã hội khiến các phần quỹ đất 20% này bị lãng phí. Hay với dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ, dưới 2 ha, phần đất 20% để ra không đủ diện tích tối thiểu để xây một khối nhà xã hội đảm bảo tiêu chuẩn. Do đó, từ cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất bố trí quỹ đất nên để địa phương chủ động, căn cứ kế hoạch, điều kiện cụ thể. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng giảm mục tiêu đề án nhà ở xã hội xuống 1.062.200 căn (giảm 354.500 căn so với đề xuất ban đầu), đồng thời giảm nguồn lực thực hiện còn 849.500 tỷ đồng (giảm khoảng 280.500 tỷ đồng). |
Tác giả: Tuệ Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy