Dòng sự kiện:
Giải mã cuộc tấn công mới nhất của Nga vào căn cứ Starokostiantyniv
09/08/2023 06:39:01
Cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Starokonstantinov được thực hiện thành nhiều đợt, kết hợp tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV. Chiến thuật này làm giảm đáng kể thời gian cảnh báo của phía Ukraine.

Sáng sớm 6/8, Nga tấn công căn cứ không quân Starokonstantinov của Ukraine gần Starokostiantyniv, thuộc tỉnh Khmelnytskyi. Căn cứ này là nơi triển khai Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 7 trang bị máy bay Su-24M và Su-24MR.

Điều đáng nói, Su-24MR là máy bay sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp và tên lửa Scalp do Pháp cung cấp cho Ukraine.

Máy bay Su-24 của Ukraine mang tên lửa Storm Shadow. Ảnh: Eurasian Times

Làn sóng tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV

Cuộc tấn công của Nga vào Starokonstantinov được thực hiện thành nhiều đợt. Đợt tấn công đầu tiên bao gồm tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom Tu-95MS và tên lửa đạn đạo.

Đợt thứ hai bao gồm tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) Geran-2. Đợt cuối cùng bao gồm các tên lửa hành trình tàng hình tầm xa Kh-101.

Tên lửa hành trình tấn công đi vòng qua các hệ thống phòng thủ của Ukraine và đi theo một lộ trình vòng vèo đến mục tiêu của chúng. 

Khi tấn công mục tiêu quan trọng bằng nhiều tên lửa, Nga thường trang bị mồi bẫy để hệ thống phòng không Ukraine dễ phát hiện và định vị, sau đó tấn công hệ thống phòng không bằng tên lửa đạn đạo. 

Cuộc tấn công vào căn cứ không quân Starokonstantinov được cho là cuộc tấn công tên lửa lớn nhất từ ​​trước đến nay của Nga vào một mục tiêu ở Ukraine.

Các vụ tấn công trong khu vực căn cứ này đã được các vệ tinh của Mỹ ghi lại vào lúc 2h31 ngày 6/8 (theo giờ Moscow). Vào lúc 3h22, có thêm một đám cháy, có thể là hậu quả của vụ nổ.

Dựa trên vị trí của các đòn tập kích, có vẻ như Nga đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở hỗ trợ bảo trì và kho tên lửa, cũng như các máy bay Su-24MR.

Đáp trả các cuộc tấn công vượt “lằn ranh đỏ” từ Ukraine

Cuộc tấn công của Nga diễn ra trong bối cảnh Ukraine liên tiếp tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga do không đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc phản công. Cho đến gần đây, Ukraine vẫn chỉ giới hạn việc sử dụng tên lửa Storm Shadow nhắm vào các mục tiêu ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga.

Tuy nhiên, ngày 22/6, Ukraine đã vượt qua ranh giới đỏ khi 2 tên lửa Storm Shadow của nước này tấn công cầu Chongar và Sivash nối bán đảo Crimea và vùng Kherson.

Ngày 19/7, Ukraine tấn công một kho đạn gần sân bay ở Đông Crimea. Đây là cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow đầu tiên của Ukraine vào Crimea.

Sáng 24/7, quân đội Ukraine lại tiến hành một số cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow ở Crimea. Một điểm sửa chữa thiết bị của Nga gần làng Kremnevka ở Simferopol đã bị cháy.

Cho đến nay, Ukraine đã tấn công Crimea bằng tên lửa Storm Shadow thêm 3 lần nữa.

Ngày 29/7, một cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow đã khiến tuyến đường sắt trên Cầu Chongar nối vùng Kherson với Crimea không thể sử dụng được.

Về mặt quân sự, hoàn toàn hợp lý khi Ukraine mở rộng phạm vi nhắm mục tiêu tấn công bằng tên lửa Storm Shadow, đó là để dàn mỏng hệ thống phòng thủ của Nga.

Khi tấn công Crimea, tên lửa Storm Shadow có thể đi vòng qua hệ thống phòng thủ của Nga, bay tầm thấp trên biển để tránh bị phát hiện. Sử dụng dữ liệu từ các hệ thống tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) của Mỹ/NATO, tên lửa có thể lọt qua các hệ thống phòng không trên tàu của Nga.

Các hệ thống phòng không mà Nga triển khai ở Crimea có khả năng chưa được nâng cấp để đối phó với Storm Shadow. Thông qua các cuộc tấn công vào Crimea, Ukraine đã làm cho mặt trận trở nên rộng hơn rất nhiều và rất khó phòng thủ.

Các cuộc tấn công trước đây vào căn cứ Starokonstantinov

Trước cuộc không kích đêm 6/8, Nga đã nhiều lần tấn công căn cứ Starokonstantinov để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow của Ukraine với mục đích phá hủy kho tên lửa này cũng như cơ sở bảo trì và bệ phóng của chúng.

Lần gần đây nhất Nga tấn công căn cứ này là đêm 26/7 bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh Kinzhal. Tiếp sau cuộc tấn công tên lửa là làn sóng tập kích bằng UAV Geran-2.

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ảnh: Sputnik

Cuộc tấn công trước đó của Nga vào căn cứ không quân Starokonstantinov là đêm 23/6. Theo Bộ Quốc phòng Nga, “Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã phóng một loạt tên lửa tấn tầm xa chính xác vào một kho vũ khí và khí tài do nước ngoài cung cấp cho Ukraine. Mục tiêu được chỉ định đã bị đánh trúng”.

Trước đó, vào ngày 29/5, Nga cũng tấn công căn cứ Starokonstantinov. Khi đó, các nguồn tin Ukraine thừa nhận rằng 5 máy bay và kho nhiên liệu, đạn dược đã ngừng hoạt động; đường băng bị hư hỏng nghiêm trọng.

Dù vậy, các cuộc tấn công của Nga vào căn cứ không quân Starokonstantinov dường như đã thất bại trong việc loại bỏ mối đe dọa từ tên lửa Storm Shadow và Scalp cũng như các “bệ phóng” của chúng. Ukraine sau đó vẫn liên tục tấn công mục tiêu Nga bằng loại tên lửa này.

Ukraine có khoảng thời gian vài giờ để cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra, cho phép Su-24MR chuyển đến căn cứ khác hoặc đơn giản là cất cánh bay lên trên không và di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Rất nhanh sau khi các máy bay ném bom của Nga, chẳng hạn như Tu-95MS và Tu-22M3, được trang bị tên lửa hành trình cất cánh, chúng bắt đầu bị theo dõi bởi chùm vệ tinh SBIRS của Mỹ.

Các thiết bị thu thập thông tin tình báo điện tử (ELINT) trên không của Mỹ/NATO như RC-135 và MQ-9, có thể phát hiện tín hiệu từ máy bay ném bom của Nga.

Khi máy bay ném bom phóng tên lửa hành trình, tên lửa bắt đầu bị theo dõi. Khi các tên lửa di chuyển về phía Tây hướng tới mục tiêu của chúng ở Ukraine, hệ thống cảnh báo (AWACS) của Mỹ/NATO, đang tuần tra 24/7 trên Biển Đen, bắt đầu theo dõi chúng, chuyển dữ liệu theo dõi tới các hệ thống radar và phòng không được triển khai trên khắp Ukraine.

Tại căn cứ không quân Starokonstantinov, thời gian cảnh báo về một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình có thể nhiều hơn 1 giờ.

Chiến thuật của Nga để giảm thời gian cảnh báo của Ukraine

Để khiến Ukraine khó phán đoán hơn, tên lửa hành trình của Nga đã thay đổi đường đi một cách đáng kể. Đáng chú ý hơn, Nga kết hợp các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo (Iskander-M, Kinhzal).

Không giống như tên lửa hành trình động cơ phản lực, tốc độ cao của tên lửa Iskander-M làm giảm thời gian cảnh báo của phía Ukraine. Iskander-M bay ở tốc độ siêu thanh và tốc độ cao hơn nữa trong giai đoạn cuối. Tên lửa cũng đi theo quỹ đạo gần như đạn đạo, làm giảm phạm vi phát hiện của radar và khiến đường bay của nó trở nên khó đoán.

Máy bay MiG-31K phóng tên lửa Kinzhal cũng có thể giảm thiểu thời gian cảnh báo. Tên lửa này có sức công phá mạnh hơn Iskander-M và không thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ triển khai ở Ukraine.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến