Dòng sự kiện:
Giải mã đà tăng của Imexpharm: Hai luồng quan điểm trái chiều
23/05/2021 08:15:51
Tại một báo cáo mới đây, nhóm phân tích của SSI đã chỉ ra những yếu tố đè nặng lên sự tăng trưởng của Dược phẩm Imexpharm (IMP) trong năm 2021.

Tuy nhiên ở góc độ trái ngược, các chuyên gia của VCSC vẫn giữ quan điểm tích cực dành cho doanh nghiệp dược phẩm này, bất chấp những khó khăn hiện hữu.

Giải mã đà tăng trưởng của Imexpharm: Hai luồng quan điểm trái chiều

Một trong những nguyên nhân khiến nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đưa ra nhận định cẩn trọng, đó là thông tin trì hoãn về tiến độ phê duyệt nhà máy dược công nghệ cao Bình Dương (IMP 4), động lực tăng trưởng khá lớn của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP).

Nếu như trước đó, ban lãnh đạo IMP ước tính nhà máy IMP 4 có thể hoàn thành và đóng góp doanh thu từ tháng 6/2021 thì đến nay, nhiều khả năng cột mốc thời gian này sẽ bị kéo dài cho tới năm 2023.

SSI cho biết thêm, thông qua các thảo luận với IMP và một doanh nghiệp dược phẩm cũng đang trong quá trình xin cấp phép tiêu chuẩn EU-GMP khác, nhóm phân tích nhận thấy đợt trì hoãn lần này chủ yếu đến từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) - đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá tiêu chuẩn EU-GMP tại nước ngoài.

Theo SSI, EMA đang rơi vào hoàn cảnh thiếu nguồn nhân lực do phải tập trung phần lớn nhân sự để theo dõi tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại các nước thành viên. Bên cạnh đó, việc các quốc gia châu Âu hạn chế nhập cảnh và tạm ngừng các chuyến bay không thiết yếu, trước tác động của biến thể Covid-19 mới cũng gây ảnh hưởng lớn đến công tác xin cấp phép EU-GMP hiện nay.

"Mặc dù các nước trên thế giới đang tiến hành tiêm chủng trên diện rộng, nhưng chúng tôi lưu ý rằng tiến độ tiêm chủng còn khá chậm và khả năng nối lại việc phê duyệt EU-GMP tại Việt Nam vào năm 2021 hoặc 2022 là khá thấp", SSI nhận định trong báo cáo ngày 19/5.

Liên quan đến diễn biến đại dịch hiện nay, ban lãnh đạo IMP từng nhấn mạnh sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 thứ ba đã tác động không nhỏ đến doanh số bán hàng quý I/2021. Trong thời gian tới, đà tăng trưởng của IMP nhiều khả năng sẽ bị kéo chậm, trong bối cảnh Việt Nam đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ tư với mức độ bùng phát mạnh hơn các đợt trước, cho dù Chính phủ đã có những động thái theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây bệnh.

Thêm vào đó, việc IMP thay đổi các sản phẩm bán lẻ tại kênh nhà thuốc cũng sẽ đè nặng lên doanh thu trong ngắn hạn. SSI cho biết, do quy định thắt chặt và doanh thu thuốc kháng sinh tại kênh nhà thuốc giảm, IMP gần đây đã quyết định chuyển hầu hết các sản phẩm kháng sinh sang đấu thầu tại kênh bệnh viện, trong khi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) thực phẩm chức năng mới để thay đổi danh mục sản phẩm bán tại kênh nhà thuốc, khiến tăng trưởng doanh thu của kênh thấp trong 2021.

Doanh nghiệp gần đây cũng kết thúc hợp đồng phân phối lớn với Sandoz sớm hơn hai năm so với ước tính của SSI, do đó công ty chứng khoán này cho rằng doanh thu hàng thương mại cũng giảm trong ngắn hạn.

Một yếu tố quan trọng khác được SSI đề cập, đó là sự leo thang của giá nguyên vật liệu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của IMP. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, ban lãnh đạo IMP cũng nhấn mạnh quan ngại về giá nguyên liệu dược phẩm đang tăng nhanh trong quý I, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm, khi nhà sản xuất nguyên liệu dược phẩm lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ đang bị bao phủ bởi "bóng đêm" Covid-19.

Nhìn chung những lo ngại của SSI là hoàn toàn có cơ sở khi quý I/2021, doanh thu của IMP đã giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, cùng với xu hướng sa sút dần nếu so sánh riêng từng tháng. Mặc dù lợi nhuận sau thuế của IMP vẫn tăng 2% so với quý I/2020, nhưng cũng lưu ý rằng kết quả này lại đến từ việc tiết giảm chi phí bán hàng nhờ các quy định đấu thầu thuốc thuận lợi.

Hơn nữa theo SSI, quý I vừa qua IMP chưa chịu ảnh hưởng bởi sự leo thang của giá nguyên vật liệu, nhờ số lượng tồn kho còn đủ trong 3 tháng. Cho nên, sự tác động này dự kiến bắt đầu từ nửa cuối năm 2021.

Hiện nay, SSI đã giảm ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của IMP từ 35% và 41% so với thực đạt năm trước xuống còn 22% và 26%, tương ứng tổng doanh thu kỳ vọng 1.720 tỷ đồng và lợi nhuận ròng kỳ vọng 265 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SSI khuyến nghị kém khả quan dành cho cổ phiếu IMP, với giá mục tiêu 1 năm là 69.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều giá chốt phiên giao dịch 21/5 (72.500 đồng/cổ phiếu).

Ở một diễn biến trái ngược, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn duy trì quan điểm lạc quan đối với IMP trong báo cáo gần nhất. VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu IMP với giá mục tiêu mới là 80.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời gần 11% so với thị giá nêu trên. Tại báo cáo cách đó 1 tuần, giá mục tiêu VCSC đưa ra dành cho IMP là 72.200 đồng/cổ phiếu.

Trước thông tin nhà máy IMP 4 đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến và dịch Covid-19 tái bùng phát, VCSC cũng có động thái giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận của IMP xuống 4% trong năm 2021 (trước đó dự báo tăng trưởng 33%), vẫn cao hơn khá nhiều so ước tính của SSI.

VCSC cho rằng, nhờ công nghệ sản xuất dẫn đầu, đạt chuẩn EU-GMP và công suất trống dồi dào cùng với chính sách ưu tiên các sản phẩm chất lượng cao, được sản xuất trong nước ở kênh bán bệnh viện của Chính phủ, lợi nhuận của IMP tăng tốc trong thời gian tới.

Các chuyên gia của VCSC dự báo biên lợi nhuận thuần của IMP sẽ tăng từ 15,3% (năm 2020) lên 16,1% vào năm 2023, trong bối cảnh hiệu suất hoạt động nhà máy gia tăng, giảm bớt phần nào trở ngại của chi phí bán hàng đang cao hơn do cạnh tranh gay gắt tại kênh bán nhà thuốc.

Chưa dừng lại ở đó, VCSC nhấn mạnh với sự hỗ trợ công nghệ và phân phối từ nhà đầu tư chiến lược SK Group, IMP có thể thâm nhập hiệu quả hơn vào phân khúc thuốc nhóm 1, nhóm thuốc có chất lượng cao nhất trong kênh bán bệnh viện và các thị trường xuất khẩu.

Tác giả: Việt Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến