Dòng sự kiện:
Giải pháp nào “cứu” tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên?
27/05/2017 21:10:22
Khoảng ba hôm trở lại đây, tôm hùm ở vùng nuôi trọng điểm của tỉnh Phú Yên là Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu lại chết hàng loạt sau đợt chết rải rác trước đó. Các ngành chức năng đang lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Đây là lần thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng này kể từ cuối năm 2016 đến nay.

Tôm hùm lại chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Điều đáng nói là giá tôm hùm đang ở mức cao với trung bình hơn 1 triệu đồng/kg, ngư dân chưa kịp mừng, đã lâm vào cảnh trắng tay. Tôm chết, thương lái chỉ mua với giá mỗi kg từ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng.

Nằm trong vùng nuôi Vịnh Xuân Đài, đến ngày 27-5, riêng ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu đã ghi nhận có ít nhất 3.000 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm hùm thương phẩm trên dưới một năm tuổi, trọng lượng từ 0,5 kg/con trở lên bị chết, có lồng tỷ lệ chết trắng 100% chỉ sau một ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trạm Thú y thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, những ngày gần đây nắng nóng, bà con nuôi tôm mật độ quá dày, lượng thức ăn đổ xuống nhiều sinh ra hiện tượng dinh dưỡng trong nước tăng cao. Sau đó gặp một trận mưa dông rất lớn, làm cho nước đầm nuôi bị phân tầng về độ mặn, nhiệt độ và ô-xy, rồi nắng gắt trở lại dẫn đến có dấu hiệu hiện tượng nước nở hoa làm tôm chết.

Những ngày này, ở các vùng nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, người dân chạy đôn, chạy đáo vớt tôm chết từ đáy lồng lên bán đổ, bán tháo cho thương lái với giá chỉ bằng 1/10 tôm sống để gỡ gạc vốn. Thậm chí có hộ buộc phải bán tôm chết với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg, trong khi tôm sống giá hơn 1 triệu đồng/kg, nhưng rất ít người mua.

Theo ngư dân, nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước ở các vùng nuôi tăng cao đột biến; trong khi đó, từ ngày 24-5 đến nay liên tục có mưa lớn, làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, nước Vịnh Xuân Đài có mầu đen đục. Khi ngớt mưa trời lại nắng gắt, nước chuyển sang mầu nâu đỏ từ bờ ra hơn 500 m làm tôm bị sốc chết.

“Mới chiều qua, tôi bán hơn 5 tạ tôm tươi sống đàng hoàng, nhưng đến sáng thì chết hàng hoạt. Nguyên nhân có thể là do chiều tối có mưa lớn, nước bẩn từ đâu đó tràn về có màu đen”, ông Nguyễn Văn Tạo, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu nói.

Tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Phú Yên. Thực trạng tôm nói riêng, các loại thủy sản nuôi nói chung chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm qua, đến nay vẫn còn tiếp diễn, chưa có lời giải. Và hằng năm, người nuôi tôm buộc phải “đánh bạc đỏ đen” với nghề truyền thống vì không còn cách nào khác. Mỗi đợt tôm chết hàng loạt, chính quyền và các ngành chức năng chỉ có thể đưa ra các biện pháp tránh thiệt hại tạm thời. Ông Nguyễn Hữu Đài cho biết thêm: “Đã thiếu ô-xy thì tôm chết rất nhanh. Ngành đang vận động bà con ganh lồng tôm lên (nâng) vì càng sâu ô-xy càng thấp”.

Để tránh hiện tượng tôm hùm của ngư dân thường xuyên chết hàng loạt, tỉnh Phú Yên đã quy hoạch hơn 1.600 ha nuôi tôm hùm với phương châm nuôi đa dạng, áp dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Phú Yên cho hay: “Bộ NN và PTNT đã giao cho tỉnh triển khai từng bước. Hiện tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi tôm hùm tổng thể. Trên cơ sở đó, đa dạng các mô hình nuôi, không chỉ ở vùng biển kín mà còn hướng ra vùng biển mở và nuôi trên bờ để phát triển nhiều hơn, mạnh hơn và đưa công nghệ cao vào áp dụng. Dự kiến từng bước đến năm 2030 có khoảng 70 ha nuôi tôm hùm trên bờ. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là các địa phương gặp khó khăn về kinh phí để quy hoạch chi tiết”.

Tuy nhiên, dự án này mới đang ở bước đầu và chưa biết đến khi nào mới được triển khai ra diện rộng; đồng nghĩa, người nuôi tôm ở Phú Yên vẫn phải chịu rủi ro lớn, thấp thỏm lo lắng mỗi khi mùa vụ đến.

Theo báo Nhân Dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến