Dòng sự kiện:
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Nên có hạn chế và linh hoạt
13/02/2019 21:03:28
Có một thực tế là không phải TCTD nào hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém đều sẽ có mức độ đóng góp các nguồn lực cho việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém giống nhau và/hoặc không thay đổi trong mọi thời điểm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Một nội dung nổi bật của dự thảo là quy định về giảm tỷ lệ DTBB. Theo đó, "TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định."

Xoay quanh dự thảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính.

PV: Thưa ông, ông nhận xét thế nào về quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50% đối với các TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém mà cơ quan quản lý đang lấy ý kiến?

TS. Phan Minh Ngọc: Điều đáng nói đầu tiên về quy định trên là sự không rõ nghĩa, dễ gây hiểm nhầm. Nếu mệnh đề "theo phương án phục hồi" trong quy định giảm tỷ lệ DTBB nói trên là để giải thích cho loại tiền gửi được áp dụng giảm tỷ lệ DTBB thì loại tiền gửi có tên là "tiền gửi theo phương án phục hồi" cũng vẫn là rất mơ hồ, khó hiểu.

Còn nếu "theo phương án phục hồi" là để giải thích rõ đối tượng được hưởng ưu đãi này chính là các TCTD tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém "theo phương án phục hồi các TCTD yếu kém này" thì quy định trên cần phải được viết lại cho rõ và dễ hiểu hơn.

Có ý kiến cho rằng, việc giảm DTBB này không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho hoạt động tái cơ cấu mà sẽ có những tác động tới ngân sách, còn quan điểm của ông thế nào?

Với nhiều người, công cụ dự DTBB chỉ là một công cụ nghiệp vụ đơn thuần của NHNN, bên cạnh nhiều công cụ khác, nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu về lạm phát và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nên việc NHNN tăng lên hay hạ xuống tỷ lệ DTBB và/hoặc miễn giảm cho một đối tượng (TCTD) nào đó sẽ không có mấy ảnh hưởng đến những vấn đề vĩ mô khác như thu ngân sách.

Nhưng bản chất thì không hoàn toàn như vậy.

Cụ thể hơn, chỉ với một số ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, vốn chiếm đến non nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống, thì việc giảm 50% tỷ lệ DTBB hiện nay (hiện đang ở mức từ 1% đến 3%, tùy theo kỳ hạn và đối tượng cụ thể) sẽ làm NHNN mất đi một khoản tiền gửi lớn có trong tay mà họ có thể đem cho vay lại trong hệ thống (giả sử rằng toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng hỗ trợ này được giảm 50% tỷ lệ DTBB). Lưu ý thêm rằng lãi suất mà NHNN áp dụng trả các TCTD cho số dư DTBB theo quy định chỉ là 1,2%/năm trong khi các loại lãi suất chính sách mà NHNN tính với TCTD thì cao hơn nhiều (ví dụ, lãi suất tái cấp vốn là 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 4,25%/năm). Như vậy có nghĩa là song song với việc giảm tỷ lệ DTBB cho TCTD, NHNN sẽ phải hy sinh một nguồn thu tiềm năng lớn mà rốt cuộc có thể được bổ sung vào ngân sách.

Ngoài ra, cũng theo dự thảo, các TCTD yếu kém, được kiểm soát đặc biệt sau khi có văn bản gửi NHNN thì còn được miễn áp dụng DTBB. Dù những TCTD yếu kém này có quy mô khiêm tốn hơn nhưng điều này vẫn dẫn đến hậu quả là ngân sách nhà nước tiếp tục bị mất đi một khoản thu đáng kể một cách gián tiếp.

Một tác động liên quan là khả năng thực hiện cam kết không sử dụng ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Với tổn thất có thể gây ra cho ngân sách như trên, miễn giảm gửi DTBB cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước phải dùng ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém ở một mức độ nào đó. Lưu ý thêm rằng việc dùng ngân sách gián tiếp thông qua miễn giảm gửi DTBB như vậy cũng tương tự như việc cho phép TCTD hỗ trợ được hưởng ưu đãi trong vay tái cấp vốn, với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, trong khi lãi suất tái cấp vốn thực tế cấp cho TCTD bình thường là 6,25%/năm.

Còn những tác động khác tới chính sách tiền tệ thì sao thưa ông?

Như đã biết, việc giảm tỷ lệ DTBB cho một (nhóm) đối tượng nào đó sẽ tác động trực tiếp đến cung tiền ở nghĩa là việc này sẽ giải phóng ra thị trường một lượng tín dụng mới có thể quay vòng nhiều lần, nhân lên nhiều lần. Tất nhiên là với chủ trương "linh hoạt, chặt chẽ" thì NHNN có thể vẫn kiểm soát được các biến số lạm phát và thanh khoản, nhưng việc giảm tỷ lệ DTBB một cách chọn lọc như vậy sẽ làm khó cho chính sách tiền tệ của NHNN. Bởi lượng tiền gửi huy động của các TCTD được miễn giảm DTBB thường xuyên biến động lớn (do đây là những TCTD lớn nhất trong hệ thống), do đó cũng sẽ làm tăng mức độ biến động của tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, Kết hợp thêm với lợi thế các TCTD được ưu đãi không phải nộp (đủ) DTBB như với các TCTD khác nên có thể nâng lãi suất để cạnh tranh thu hút tiền gửi, lãi suất và thanh khoản trong hệ thống cũng vì thế càng biến động khó lường, khó kiểm soát.

Vậy theo ông, mức giảm dự trữ bắt buộc trong dự thảo nên như thế nào thì hợp lý hơn, để tác động tích cực hơn với ngân sách lẫn bản thân các TCTD?

Về cả lý và tình thì hiển nhiên là các TCTD hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém cần thu lại một số lợi ích vật chất để đổi lấy việc họ phải bỏ ra các nguồn lực tài chính và nhân lực để tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém. Về phía Chính phủ và NHNN, một số công cụ chính sách đã và đang được triển khai theo hướng này, gồm, ví dụ, hạ tỷ lệ DTBB, cho vay tái cấp vốn với lãi suất đến 0%, ưu tiên cấp phép mở thêm chi nhánh, tăng cường tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng có vốn nhà nước (thường cũng chính là các ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu) v.v...

Tuy nhiên, từ phân tích bên trên về những tác động tiêu cực của việc miễn giảm nộp DTBB, điều rút ra là nên hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều công cụ mang tính ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém để giảm thiểu những tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Nếu ban hành thông tư mới theo hướng như trong dự thảo thì không nên sử dụng thêm công cụ khác, ví dụ như cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% nữa (lưu ý thêm là trong luật không quy định NHNN phải cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%).

Ngoài ra, có một thực tế là không phải TCTD nào hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém đều sẽ có mức độ đóng góp các nguồn lực (cho việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém) giống nhau và/hoặc không thay đổi trong mọi thời điểm. Bởi vậy, nếu áp dụng đồng mức giảm tỷ lệ DTBB 50% cho mọi TCTD hỗ trợ tại mọi thời điểm sẽ là không xác đáng nếu có TCTD hỗ trợ nào đó có mức đóng góp nguồn lực thấp hơn mức ưu đãi họ được hưởng, và cũng không xác đáng ngay cả với bản thân TCTD đó bởi mức độ đóng góp là khác nhau tại mỗi thời điểm.

Như vậy, thay vì ban hành một mức cố định giảm tỷ lệ DTBB, nên có quy định linh hoạt hơn, theo đó mức giảm tỷ lệ DTBB áp dụng cho các TCTD hỗ trợ sẽ được tính toán và cân nhắc trên cơ sở đóng góp các nguồn lực của họ vào tái cơ cấu TCTD yếu kém tại từng thời điểm, đồng thời có tính đến các ưu đãi khác mà TCTD hỗ trợ (sẽ) được hưởng, ví dụ như lãi suất ưu đãi vay tái cấp vốn v.v... để đảm bảo TCTD hỗ trợ luôn được khuyến khích đúng mực và phù hợp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Tri thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến