Dòng sự kiện:
Gian lận thương mại trên internet sẽ lên đến 60%
07/03/2021 14:21:09
Thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua phát triển khá nhanh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay tốc độ phát triển TMĐT đang tăng rất nhanh, đi kèm với đó là các hành vi gian lận thương mại ngày càng gia tăng. Tình trạng này phổ biến đến mức, hiện nay, các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn TMĐT thông thường mà còn trên các mạng xã hội…

Dự báo, trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm đến 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bên cạnh những công việc mà lực lượng QLTT vẫn làm như: Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hộ; nâng cao năng lực, nghiệp vụ của lực lượng QLTT, thì Tổng cục QLTT còn kỳ vọng vào sự thay đổi của chính sách.

Trong năm 2021, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi được Chính phủ ký ban hành có hiệu lực sẽ là thay đổi rất quan trọng đối với môi trường phát triển TMĐT. Hiện, Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, đặt ra những cách thức quản lý mới.

Cụ thể, coi và đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Trên môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì sẽ quy định như vậy trên môi trường internet. Các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch.

Tạm giữ 1.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và do nước ngoài sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP về TMĐT cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm TMĐT” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho “bức tranh” TMĐT ở Việt Nam.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới; trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với chức năng quản lý nhà nước về TMĐT, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trong tâm để đạt được các mục tiêu nêu trên.

Trong năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline, với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.

Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”. Chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.

Tác giả: Lưu Hiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến